Giấc Mộng Ngọt Ngào
Chương 1
01
Tôi chết vào năm tôi 20 tuổi.
Tôi bị làm nhục và bị giết chết một cách dã man bởi một tên sát nhân biến thái.
Tôi và anh ta không hề có bất kỳ liên quan nào, nhưng không ai tin.
Họ nói, con gái nhà lành ai mà lại đi ra ngoài giữa đêm với chiếc váy ngắn cũn cỡn như vậy.
Họ nói, tôi biết con bé này, mẹ nó cũng là bộ dạng lẳng lơ…
Sau sự bàng hoàng và thương cảm ban đầu, những lời đồn thổi, mỉa mai như giọt dầu nóng rơi vào chảo, bùng nổ dữ dội.
Tống Nhã đứng giữa đám người này.
Bà vẫn như cũ chết lặng mà lạnh lùng, bình tĩnh đi theo cảnh sát để nhận dạng thi thể tôi, bình tĩnh tiếp nhận điều tra, rồi bình tĩnh về nhà nấu cơm.
Bà thậm chí còn cười lạnh, căm hận nói:
“Chết càng tốt, chết rồi liền thanh thản!”
Vậy là mọi người xung quanh quay sang chỉ trích Tống Nhã.
Họ nói Tống Nhã sắt đá, con gái chết mà không hề buồn bã, không xứng đáng làm mẹ.
Tôi nghe thấy câu nói đó.
Tôi không biết tại sao tôi không tan biến ngay lập tức.
Nhưng tôi theo Tống Nhã, không cảm thấy bất kỳ điều gì kỳ lạ về phản ứng của bà.
Dù sao Tống Nhã cũng hận tôi.
Bà đã vô số lần nói với tôi: “Tại sao tao lại sinh ra một đứa nghiệt súc như mày.”
Tôi cũng hận Tống Nhã.
Hận sự kiểm soát đáng sợ của bà ấy.
Hận những lúc bà ấy trở nên điên loạn.
Hận mỗi lần tôi có thể tìm thấy một nơi thuộc về, bà lại cưỡng ép chuyển nhà đi không chút do dự.
Có quá nhiều điều khiến tôi hận Tống Nhã.
Vì vậy, khi Tống Nhã mài dao trong vài ngày, sau đó đâm liên tiếp tám nhát dao vào kẻ sát nhân đang cố giả làm bệnh nhân tâm thần để thoát khỏi án tử hình, phản ứng đầu tiên của tôi là Tống Nhã đã điên rồi.
Nhưng Tống Nhã không hề điên.
Bà ta thay bộ quần áo đẹp nhất, thậm chí còn hiếm hoi trang điểm, chỉnh tề như đi dự một buổi hẹn hò.
Bà bình tĩnh làm tất cả mọi thứ.
Rồi trước khi bị cảnh sát bắt đi, bà nói từng chữ:
“Đó là con gái của tôi.”
Có một khoảnh khắc, tôi tưởng Tống Nhã đang nói với tôi.
Nhưng tôi đã chết.
02.
Tôi tưởng tôi đã chết.
Nhưng giờ đây, tôi đang đứng dưới ánh mặt trời rực rỡ, cảm nhận thân cây sần sùi trong lòng bàn tay, đầu óc quay cuồng.
Tôi ngơ ngác nhìn những học sinh mặc đồng phục đi qua lại bên cạnh.
Chuyện kỳ lạ về sự hồi sinh trong tiểu thuyết đã xảy ra với tôi.
Tôi nên vui mừng.
Nhưng tôi không biết mình đang ở đâu, càng không biết liệu bản thân hiện tại có còn là chính mình hay không.
Cho đến khi mùi hương thơm nồng của khoai lang nướng đột nhiên xộc vào cánh mũi.
“Cô bé, đang đợi em gái hả?”
Giọng nói khàn khàn pha lẫn tiếng cười vang lên bên cạnh, mang theo chút quan tâm: “Bà thấy sắc mặt cháu không tốt lắm, có phải không khỏe không?”
Tôi định thần lại, nhưng lại bị khuôn mặt đầy sẹo trước mắt làm cho hoảng sợ.
Bà lão sờ mặt mình, mỉm cười xin lỗi tôi: “Xin lỗi nhé, làm cháu sợ à?”
Tôi vô thức lắc đầu.
Bà nhét củ khoai lang nướng vào tay tôi, tự lẩm bẩm: “Có vẻ như em gái cháu học rất giỏi, trường nhất trung Nam Gia là trường trung học tốt nhất ở huyện chúng ta đấy.”
Trường nhất trung Nam Gia, một cái tên rất quen thuộc.
Nhưng không hiểu sao, tôi lại nghe ra trong giọng bà một chút kiêu hãnh khó hiểu.
Tôi vừa định nói không phải, thì nghe thấy tiếng gọi:
“Tống Nhã!”
Cùng tên với người đó.
Tôi vô thức muốn quay đầu nhìn lại, nhưng thực tế cơ thể lại cứng đờ, không thể cử động được.
Trước mắt hiện lên khuôn mặt lạnh lùng đến mức gần như điên cuồng của Tống Nhã.
Mặt bà dính đầy máu, ánh mắt vô cảm và lãnh đạm.
Bà từng chữ từng chữ nói: “Đó là con gái tôi.”
“Mày đứng đó làm gì!”
Giọng nói quen thuộc chồng chéo đan xen vào nhau, nhưng lại mang hai ngữ điệu hoàn toàn khác biệt.
03
Tống Nhã, 37 tuổi, sống trong sự lạnh lùng và chai sạn, làm công việc bẩn thỉu và mệt mỏi nhất.
Bà có thể vì một đồng bạc mà tranh cãi với người ta đến mức mặt đỏ tía tai, lời nói thô tục khiến người ta phẫn nộ.
Cũng có thể vì vài trăm đồng tiền tăng ca mà nịnh nọt quản lý, cúi mình khom lưng như một con chó.
Tôi khinh thường một Tống Nhã như vậy.
Tôi từng tưởng rằng lúc trẻ bà cũng sẽ như vậy, hoặc là một loại côn đồ không học hành.
Dù sao thì năm 17 tuổi bà đã sinh ra tôi.
Nhưng thực tế, Tống Nhã 16 tuổi mặc bộ trang phục biểu diễn chưa kịp cởi, xung quanh có một đám bạn vây quanh, nụ cười rạng rỡ và chói lóa.
Cô ấy có một tương lai vô cùng tươi sáng.
Khuôn mặt trẻ trung xinh đẹp trước mắt như thể bức ảnh vô tình nhìn thấy trong ký ức bỗng sống động trở lại.
Tôi từng nhìn thấy ảnh thời trẻ của Tống Nhã.
Nhưng chưa kịp than rằng Tống Nhã thời trẻ đẹp đến vậy, bà đã xông vào xé nát bức ảnh.
Rồi cãi nhau với tôi vô cùng kịch liệt.
Tôi tưởng mình hận Tống Nhã.
Nhưng thực tế khi đứng trước Tống Nhã 16 tuổi, một cảm xúc kỳ lạ ập đến, nhấn chìm tôi.
Tôi biết rõ thứ cảm xúc này được gọi là uất ức.
Nỗi đau trước khi chết bị cố ý lãng quên cùng nỗi sợ hãi len lỏi vào tận xương tủy, cuối cùng biến thành uất ức và nương tựa nồng nàn.
Tôi muốn nói với Tống Nhã rằng lúc đó tôi đau đớn và sợ hãi đến mức nào.
Thậm chí mong Tống Nhã có thể xuất hiện trước mặt tôi với con dao làm bếp không bao giờ rời tay.
Nhưng thực tế, tôi há miệng rất lâu cũng không thốt lên được lời nào.
Cho đến khi bạn của Tống Nhã khều khều cô, vẻ mặt kỳ quặc: “Nhã Nhã, đây là chị gái của cậu sao?”
Trước đây có người nói tôi và Tống Nhã rất giống nhau.
Nhưng không lâu sau khi người đó nói câu này, Tống Nhã đã vội vàng ép buộc tôi chuyển nhà.
Bà luôn độc đoán và kỳ quặc như vậy.
Tôi từng ghét Tống Nhã, bao gồm cả khuôn mặt giống bà.
Nhưng giờ đây tôi chỉ cảm thấy may mắn.
Ít nhất điều này chứng tỏ tôi và Tống Nhã vẫn có chút liên quan.
Tống Nhã lắc đầu, nói rằng không quen tôi.
Nhưng vì phép lịch sự, cô ấy vẫn hỏi tôi: “Xin hỏi bạn có chuyện gì không?”
Củ khoai lang nóng hổi trong tay khiến tôi bừng tỉnh.
Vì vậy, tôi vô thức đưa tay ra: “Bạn ăn khoai lang không?”
Bạn của cô ấy lập tức bật cười.
“Nhã Nhã, cậu còn nói không phải chị gái cậu sao? Bạn ấy thậm chí còn biết cậu thích ăn khoai lang nướng nhất!”
Tống Nhã có chút khó chịu: “Mình thực sự không quen bạn ấy!”
Nói xong, cô ấy lại nhìn tôi một lần nữa, lẩm bẩm một câu “kỳ quặc” rồi kéo bạn của mình rời đi.
Tống Nhã 16 tuổi thậm chí còn không biết nói tục.
Tôi cầm củ khoai lang nhìn bóng lưng Tống Nhã rời đi, vừa khóc vừa cười.
04
Tôi chết vào năm 20 tuổi.
Nhưng lại sống lại vào năm mẹ tôi 16 tuổi.
Tôi mặc bộ đồ lúc trước khi chết, trong túi chỉ có 500 nghìn đồng.
Vì không có chứng minh thư, tôi không thể đi đâu được.
Tôi hơi hối hận vì lúc nãy không đuổi theo Tống Nhã.
Nhưng thực ra dù có đuổi kịp, tôi cũng không biết nói gì.
Tôi và Tống Nhã 37 tuổi chỉ có những cuộc cãi vã không hồi kết.
Vì vậy, tôi chỉ có thể ngượng ngùng và hỏi bà lão bán khoai lang nướng rằng tôi có thể ở nhờ bà một thời gian được không.
“Cháu có thể trả tiền!” Tôi vội vàng bổ sung một câu.
Nhưng sau khi nói xong, chính bản thân tôi lại là người ngẩn người đầu tiên.
Lẽ ra sau khi trải qua những chuyện như vậy trước khi chết, tôi nên cảnh giác cao độ với người lạ.
Nhưng có lẽ là do người này đã tỏ thiện ý với tôi trước.
Có lẽ là do tôi đã chết một lần, có chút bất cần.
Hoặc có lẽ là do mùi vị khoai lang nướng của bà khiến tôi nhớ đến khi còn nhỏ, Tống Nhã từng nướng khoai lang cho tôi một lần.
Tống Nhã không thích tôi, nên nấu ăn rất dở.
Món ăn duy nhất miễn cưỡng nuốt được là khoai lang nướng của Tống Nhã.
Tiếc là tôi chỉ ăn được vài lần lúc nhỏ, đã sớm quên mất mùi vị, nhưng đại khái là ngon.
Bởi vì trong những ký ức vui vẻ ít ỏi đến đáng thương của tôi, đó là một trong số ít những lần được Tống Nhã khen thưởng.
“Bỏ nhà đi bụi sao?” Bà hỏi.
Tôi gật đầu một cách lúng túng.
“Được rồi.”
Bà lão ngẩn người một lúc, cuối cùng cũng đồng ý.
Bà dọn hàng sớm, đẩy xe hàng từng bước tiến về phía trước.
Tôi đuổi theo muốn giúp đỡ, nhưng lại bị bà nhẹ nhàng đẩy ra.
“Cháu không khỏe bằng bà đâu.”
Bà lão cười với tôi.
Nhà bà ở trong khu tập thể cũ nát nhất, cửa ra vào chất đầy bìa các tông và lon nhôm nhặt được, nhưng bên trong lại sạch sẽ và gọn gàng.
Bà lão bảo tôi gọi bà là “dì Trương”.
Rõ ràng dì trông già đến mức có thể làm bà tôi.
Tôi thức thời không nói tiếp, nhưng lại tò mò hỏi thêm một câu:
“Dì Trương ở một mình ạ?”
Dì Trương quay lưng về phía tôi dọn dẹp, chậm rãi nói: “Dì còn một đứa con gái.”
“Vậy con gái dì…”
“Nó đi lạc mất rồi.”
Dì quay người, nở nụ cười với tôi.
Rõ ràng là một khuôn mặt dữ tợn đáng sợ, nhưng khi nói ra câu này, vẻ mặt trên khuôn mặt lại dịu dàng đến khó tin:
“Dì đang tìm nó về nhà.”
Nghĩ đến câu nói “bỏ nhà đi bụi” của dì Trương trước đó, tôi tự vẽ ra một bức tranh về một đứa con gái hư hỏng bỏ nhà đi bụi, người mẹ già một bên bán khoai lang nướng, nhặt rác, một bên tìm kiếm con gái.
Nhưng dù sao đây cũng là chuyện nhà người ta.
Vì vậy, tôi chỉ ậm ừ an ủi một câu: “Dì là một người mẹ tốt, tin rằng con gái dì sẽ sớm trở về.”
Dì Trương nghe tôi nói câu này có vẻ hơi ngẩn người.
Sau đó lẩm bẩm một câu rất nhỏ.
Tôi không nghe rõ, vô thức hỏi: “Dì nói gì ạ?”
“Không có gì,” dì Trương cười với tôi, quay người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, “Nó sẽ sớm về nhà thôi.”
05
Tôi tạm thời ở lại nhà dì Trương.
Lúc đầu tôi tưởng rằng với tư cách là người đến từ tương lai, tôi có thể nắm bắt cơ hội, làm nên chuyện lớn trong thời đại này.
Nhưng thực tế, hai mươi năm qua tôi chỉ lo cãi vã và chống đối Tống Nhã.
Tống Nhã chỉ thẳng vào mũi tôi mà mắng: “Đồ bỏ đi như mày, rời xa tao một ngày cũng không sống nổi!”
Tôi không phục, nên năm lớp 12 hiếm hoi nổi lên một cỗ nhiệt huyết.
Nhưng đã quá muộn.
Cuối cùng tôi thi vào một trường cao đẳng xa nhà nhất, chỉ để có thể tránh xa Tống Nhã hơn.
Nhưng giờ đây tôi không thể không thừa nhận rằng bà ấy nói đúng, tôi đúng là một kẻ vô dụng.
Tôi không có năng lực, cũng không giỏi giao tiếp, càng không biết nhìn sắc mặt người khác mà hành động.
Ngoài 500 nghìn đồng trong người, tôi chẳng có gì.
Sau ba ngày liên tục đi tìm việc không thành, dì Trương nhìn ra hoàn cảnh khó khăn của tôi, bèn gọi tôi cùng bán khoai lang nướng.
“Học sinh trường nhất trung Nam Gia đều thích ăn khoai lang nướng của dì, có lúc dì bận không xuể.”
Vì vậy, ngày nào tôi cũng bán khoai lang nướng trước cổng trường nhất trung Nam Gia.
Vì vậy, ngày nào tôi cũng có thể nhìn thấy Tống Nhã 16 tuổi.
Cô ấy quả thực rất thích ăn khoai lang nướng.
Lần đầu tiên mua khoai lang, Tống Nhã cũng sững người khi nhìn thấy tôi.
Nhưng cô ấy nhanh chóng lấy lại bình thường: “Lấy củ to nhất.”
Tôi lúng túng lấy một củ to nhất đưa cho Tống Nhã, lòng bàn tay đổ mồ hôi.
Tống Nhã không nhận ra.
Cô ấy trả tiền, nói lời cảm ơn rồi đi.
Bạn bè của cô ấy đang đợi ở xa xa, tiếng nói cười vui vẻ cách xa tôi cũng có thể nghe thấy.
Tôi vô thức nhìn theo bóng lưng Tống Nhã, có chút mơ hồ.
Tống Nhã 16 tuổi có mối quan hệ rất tốt, Tống Nhã 37 tuổi mỗi ngày bị người ta bàn tán sau lưng.
Họ dường như đang sống hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau.
Sự phấn khích và uất ức ban đầu dần tan biến, thay vào đó là sự ngượng ngùng và một mối hận thù khó nói thành lời.
Có lẽ vì câu nói “Đó là con gái tôi” của Tống Nhã, nên sự hận thù của tôi đối với bà ấy lại trở nên chính đáng.
Tôi hận Tống Nhã ngày hôm đó vô cớ gây chuyện với tôi.
Tôi hận bà ấy trước đây luôn là người tìm thấy tôi nhanh nhất rồi túm lấy tai tôi ép tôi về nhà, nhưng lần đó bà lại không xuất hiện.
Rõ ràng ngày hôm đó là sinh nhật 20 tuổi của tôi.
Nhưng mâu thuẫn thay, tôi lại muốn gặp Tống Nhã.
Muốn xem Tống Nhã 16 tuổi là một người như thế nào.
“Cháu và cô bé kia trông giống nhau quá.”
Lúc rảnh rỗi, dì Trương cũng cười nói chuyện với tôi.
Dì ấy hoàn toàn khác với Tống Nhã.
Tống Nhã sẽ chửi mắng tôi là đồ bỏ đi, ngày nào cũng cau có, nói năng bỗ bã.
Còn dì Trương sẽ kiên nhẫn dạy tôi khi tôi lần đầu mắc lỗi, khi dì cười, ngay cả vết sẹo dữ tợn trên mặt cũng trở nên hiền hòa hơn nhiều.
Tôi thậm chí còn cảm thấy, nếu thực sự phải mô tả người mẹ mơ ước của mình, thì có lẽ sẽ là người như dì Trương.
“Thật sao?” Tôi bĩu môi, mang theo một chút tức giận, “Cháu nghĩ cháu đẹp hơn bạn ấy nhiều!”
Dì Trương ngẩn người, rồi cười gật đầu.
Dì nói: “Đúng vậy, dì cũng nghĩ vậy.”
“Cháu là cô gái xinh đẹp nhất mà dì từng gặp.”
Tôi sững người, sau đó hốc mắt tôi chẳng hiểu vì sao lại ươn ướt.
Tống Nhã chưa bao giờ khen tôi đẹp.
Ngay cả khi tôi trang điểm một chút, bà ấy cũng sẽ trở nên hoàn toàn điên loạn.
Theo quan điểm của Tống Nhã, một người như tôi nên giống như bà ấy, ngày ngày ảm đạm hèn mọn, ăn xin trong những khu ổ chuột, khu vực tồi tàn của thành phố,
“Thanh xuân”, “Sinh động”, “Tươi sáng”… những từ này không nên xuất hiện trên người tôi.
Cũng chính vì vậy, sau khi thoát khỏi sự kiểm soát của Tống Nhã, tôi mới thể hiện vẻ đẹp của mình một cách bùng nổ.
Tôi cố gắng từ lời khen ngợi của người khác để ép buộc bản thân quên đi những bóng ma tự ti.
Và câu nói của dì Trương đã chữa lành cho tôi.
Cả ngày hôm đó tâm trạng tôi rất tốt.