Nhân Nhân Trả Thù
Chương 1
1.
Tan học, tôi được bà nội đến trường mẫu giáo đón về nhà.
Quả nhiên, Hứa Lỵ đang ngồi trên ghế sofa nhà tôi hệt như kiếp trước, bà ta mỉm cười dịu dàng, giang hai tay về phía tôi.
“Nhân Nhân! Mẹ về rồi đây, nhớ con gái bé bỏng của mẹ quá! Cho mẹ ôm một cái nào!”
Tôi nhìn bà ta nhưng không ngu ngốc lao đến ôm bà ta và gọi bà ta là mẹ như kiếp trước.
Mà chỉ lặng lẳng đứng trước mặt bà ta, trịch thượng hỏi: “Mẹ, bà nội nói mấy năm nay mẹ không ở cạnh con để đi du học tiến sĩ. Mẹ cho con xem bằng tốt nghiệp của mẹ được không?”
Sau đó còn ngọt ngào nói thêm một câu.
“Con nghe cô Lâm kể hiệu trưởng trường con cũng có bằng tiến sĩ. Cô còn treo bằng tốt nghiệp trong văn phòng cơ. Từ giờ mẹ cũng treo bằng tốt nghiệp trong thư phòng nhà mình đi!”
Trong nháy mắt, Hứa Lỵ lúng túng tức giận, suýt nữa không kiềm chế được mở miệng mắng tôi.
Tôi vẫn bất động nhìn bà ta đầy mong đợi, xòe hai tay chờ đợi, nỗ lực ra vẻ một đứa bé bốn tuổi ngây thơ vô tội.
Vì có bà nội và bố ở bên cạnh nên bà ta đành mở miệng nói: “À… Nhân Nhân… Không có… Mẹ không phải…”
Ông bà nội tôi đều là giáo sư, bố tôi cũng là tiến sĩ. Bà ta là người duy nhất trong nhà không học lên cao hơn.
Trình độ học vấn của Hứa Lỵ quá thấp nên vốn bà nội cũng không thích bà ta nhưng vì bà ta mang thai nên bà nội tôi mới đồng ý cho bố tôi kết hôn với bà ta.
Thế nên trong cuộc đời này bà ta ghét nhất là bị người khác hỏi về bằng cấp của mình, mà tôi lại khiến bà ta mất mặt trước mặt bà nội, hẳn bà ta sẽ ghét tôi lắm.
Nhìn bà ta như vậy, tôi lập tức giận dỗi quay đầu ôm bà nội làm nũng.
“Bà nội, bà lừa con, mẹ con không hề đi học tiến sĩ! Có phải vì mẹ ghét Nhân Nhân nên mấy năm nay mới không ở với con không hả bà…”
Tôi mắt đỏ hoe chạy vào lòng bà.
Tôi được một tay bà nội nuôi nấng từ bé đến giờ nên tất nhiên bà không chịu được khi tôi buồn.
Bà đau lòng dỗ dành tôi, tôi đột nhiên ngẩng đầu lên nói: “Không đúng! Bà nội thương con nhất, bà không bao giờ lừa gạt con cả! Bà nội nói cả nhà mình đều là tiến sĩ, nhất định mẹ con cũng thế!”
Sau đó tôi quay đầu chỉ vào Hứa Lỵ: “Bà ta không phải tiến sĩ, thế chắc chắn không phải là mẹ con!”
Tôi nói xong, cả ba người đều sửng sốt, lập tức tới trấn an tôi.
Bà nội thầm trách bố tôi lấy một cô con dâu bằng cấp kém, ngay cả một đứa trẻ con cũng không nói lại được.
Bố tôi cũng hiểu nên sắc mặt tối sầm lại, thầm lườm Hứa Lỵ mấy lần.
Tạo cơ hội cho bà mắng bọn họ, tôi giả vờ muốn đi vệ sinh.
Sau khi đóng cửa lại, đúng như tôi dự đoán, bà nội bắt đầu mở miệng.
“Tống Bằng, mẹ đã nói với con rồi, bất kể con lấy ai vào cửa, điều quan trọng nhất là phải đối xử tốt với Nhân Nhân. Mẹ con bé mất khi nó mới một tuổi, mẹ đã chăm sóc nó mấy năm nay nên không muốn nó phải chịu thêm bất cứ uất ức nào nữa.”
“Mẹ, con hiểu mà. Con đã nói rõ với Lỵ Lỵ rồi. Lỵ Lỵ là người tốt, nhất định cô ấy sẽ đối xử tốt với Nhân Nhân. Chuyện này mẹ cứ yên tâm.”
Bố tôi nói thế này chẳng khác nào chưa nói gì, bà nội bắt đầu tức giận.
“Hừ, đối xử tốt với nó, định đối xử tốt như thế nào?”
“Lúc đó mẹ đã bảo mày là không được nói dối con bé. Hai đứa không nên nói với Nhân Nhân mình là mẹ ruột của nó, gì mà nói thế sẽ tốt cho đứa nhỏ. Nhưng con bé Nhân Nhân rất thông minh, bây giờ nó nghi ngờ cô không phải mẹ nó rồi đấy, không có bằng cấp để đưa ra chúng mày định giải thích với con bé như thế nào?”
“Vả lại chúng mày cũng đã nói thế rồi, bà già này biết tìm đâu ra một người mẹ có bằng cấp để nó tin tưởng? Nếu bây giờ nói cho nó biết đây không phải mẹ của nó thì là lại làm tổn thương nó thêm lần nữa à! Chúng mày làm người lớn mà như thế này thì làm sao khiến nó tin tưởng dựa dẫm vào được?!”
Bọn họ nói không nên lời, bà lại tiếp tục răn dạy.
“Đã như vậy rồi, cũng chẳng còn cách nào nữa, chúng mày mau chóng nghĩ cách giải thích vấn đề bằng cấp này đi.”
“Con bé Nhân Nhân này rất coi trọng tình cảm, cô chỉ cần đối xử thật lòng với con bé, coi nó như con ruột của mình, nó mong ngóng mẹ lâu như thế, rồi dần dần sẽ tin tưởng thôi.”
Bà nói xong, tôi nghe thấy hai người trong phòng khách liên tục hứa hẹn quyết tâm đủ kiểu.
Thấy mục đích đã đạt được, tôi bỏ qua chuyện bằng cấp của Hứa Lỵ, tôi biết hiện giờ bản thân không có khả năng ngăn cản bà ta bước vào căn nhà này.
Hơn nữa, nếu bà ta không vào cửa thì làm sao tôi báo thù được chứ?
2.
Sở dĩ bà nội tôi tức giận đến vậy là vì mẹ tôi thực sự là tiến sĩ, hơn nữa mẹ còn là con gái của người bạn thân từ bé của bà nội, khí chất cao quý, phong nhã tài hoa.
Chỉ là sức khỏe của mẹ không tốt, lúc sinh tôi đã rất vất vả, sau khi sinh lại không được chăm sóc tốt nên nằm trên giường bệnh triền miên đến khi tôi được một tuổi thì mất vì bệnh tất.
Bà nội không chỉ đơn giản là hài lòng với mẹ tôi mà còn có cả tình yêu thương, tôn trọng mẹ.
Yêu ai yêu cả đường đi, thế nên đối với cháu gái mất mẹ từ nhỏ bà càng thêm yêu thương cưng chiều.
Vì thế bà thực sự không nỡ nói cho tôi biết về chuyện mẹ đã qua đời.
Mà bà chỉ nói mẹ tôi đi du học đến khi lấy được bằng tiến sĩ mới trở về.
3.
Ở kiếp trước.
Tôi nhỏ bé, ngây thơ, ôm lòng yêu thương bao la cuối cùng cũng chờ được “mẹ”.
Nhưng từ khi “mẹ” về, cuộc sống của tôi lại trở nên khó khăn hơn.
Lúc đó tôi không hiểu tại sao mỗi khi bà nội đi vắng, ánh mắt mẹ dành cho tôi lại thay đổi.
Cũng chẳng hiểu vì sao, dù tôi có làm gì thì mẹ cũng luôn tức giận và ghét bỏ tôi.
Khi tôi không gắp được rau khiến nó rơi lại xuống đĩa, bà ta sẽ dùng đũa đánh vào tay tôi rồi chán ghét nói: “Con bé này! Làm thế sao người khác còn ăn được nữa? Bẩn chết đi được!”
Tôi nghe xong liền mím mỗi, cúi đầu kìm nước mắt lại, không dám gắp thêm nữa.
Tôi im lặng tiếp tục bới cơm trong bát, không dám ăn nữa, dì Lý gắp cho tôi hai đũa.
Lần này tôi bắt được vẻ không đành lòng trong mắt dì Lý, tôi ngẩng đầu rưng rưng nước mắt, hiểu chuyện nói với dì: “Con cảm ơn dì, Nhân Nhân sẽ học cách dùng đũa thật tốt để mẹ không tức giận nữa.”
Dì Lý nghe tôi nói mà mắt đỏ hoe.
Dì Lý vốn là người giúp việc ở nhà bà nội. Nhưng vì tôi đến ở với bố “mẹ” nên bà bảo dì qua ở cùng.
Dì Lý tốt bụng nhưng nhát gan, công việc này rất quan trọng với dì nên ở kiếp trước dù biết tôi khổ nhưng dì cũng không có dũng khí đứng về phía tôi, giúp đỡ tôi.
Dù ông bà nội có gia sản tổ tông để lại nhưng họ vẫn giữ trí thức và thể diện cả đời.
Họ chưa bao giờ nghĩ đến việc nhờ giúp việc theo dõi sinh hoạt của con trai và con dâu.
Thế nên bà không hỏi, dì Lý cũng không chủ động nói về chuyện này.
Nhưng lần này sống lại, tôi sẽ nắm bắt mọi nguồn lực có thể lợi dụng ở xung quanh mình.
4.
Hôm đó Hứa Lỵ đang ngủ, người mang bầu khó ngủ nên hay ngủ bù vào ban ngày.
Dì Lý ra ngoài mua thức ăn còn tôi ngồi trong phòng chơi đồ chơi.
Không giống kiếp trước phải cẩn thận dè dặt từng chút một, lần này tôi cố ý chơi thật mạnh tay gây ra tiếng động lớn.
Đúng lúc tôi đang xếp một chiếc lâu đài công chúa rất to.
Bà ta giận dữ đạp cửa phòng, đạp tan lâu đài tôi vừa xếp xong.
Kiếp trước tôi sợ đến ngây người, muốn khóc cũng không khóc được, nửa đêm bừng tỉnh mới dám trốn trong chăn khóc vì chuyện ban sáng.
Bà ta vẫn không thương xót chút nào, tiếp tục lớn tiếng mắng tôi: “Mày không biết tao đang ngủ à! Chơi mấy cái thứ này làm phiền tao chết đi được!”
Kiếp trước, lúc đó đúng lúc bố tôi đi vào, thấy tôi ngơ ngác còn bà ta thì tức giận tủi thân, ông đứng ở cửa không nói lời nào, sau đó về phòng lại dỗ dành bà ta.
Nhưng lần này tôi muốn một kết quả hoàn toàn khác.
Sau khi bà ta đá đổ lâu đài, tôi lập tức gào khóc, vừa khóc vừa lăn ra đất, dùng bàn tay bé nhỏ nhặt từng miếng lego vương vãi trên mặt đất, bố tôi nghe thấy tiếng thì chạy tới.
Tôi bắt đầu phần trình diễn của mình.
“Mẹ, sao mẹ lại đá hỏng đồ chơi của con? Nhân Nhân xếp lâu đài công chúa này lâu lắm mới được, vì con biết mẹ đang mang thai em gái. Đây là quà con muốn tặng cho em mà… Hu hu sao mẹ lại đạp hỏng hết rồi! Sao mẹ lại làm thế với Nhân Nhân… hu hu hu…”
Tôi vừa khóc vừa nói, thở không ra hơi, khóc xong vẫn không quên tỏ vẻ hoảng sợ, co rúm người lại.
Bố nhìn thấy tôi thê thảm như vậy cũng hiểu đại khái tình hình. Người vẫn luôn cưng chiều Hứa Lỵ như ông lúc này mặt cũng lạnh hẳn đi.
“Em làm gì với con thế! Biết em mang thai không thoải mái nhưng sao có thể trút giận lên con bé được! Em đáng sợ thật đấy ! Đừng quên em là mẹ của con bé!”
Sau đó có vẻ càng nghĩ càng giận, ông cảnh báo bên tai bà ta: “Đừng quên những gì em hứa với anh và bà cụ!”
Bình thường Hứa Lỵ làm mưa làm gió với tôi đã quen nhưng rất khi bị bố tôi nhìn thấy.
Mọi chuyện diễn ra liên tiếp khiến bà ta tức đến dậm chân nhưng cũng tự biết đuối lí nên chỉ có thể khóc lóc. Lần này bà ta khóc thế nào bố tôi cũng không quan tâm.
Bố bế tôi lên khỏi đống bừa bộn, kiên nhẫn dỗ dành, hứa sẽ mua cho tôi mấy bộ lego mới thật to.
Đến khi dì Lý về, tôi lại ra vẻ đáng thương kể lại mọi chuyện và không quên thêm mắm dặm muối, ôm cổ dì khóc rất lâu.
Dì Lý đau lòng nhưng chỉ có thể thở dài, bữa tối nấu thêm hai món tôi thích ăn.
Sau khi bị bố tôi lạnh nhạt mấy ngày, Hứa Lỵ thu liễm hơn nhiều, thỉnh thoảng dẫn tôi đi mua quần áo, rảnh rỗi nhàm chán sẽ cùng tôi đọc sách vẽ tranh.
Kiếp trước bà ta dùng tình mẫu tử giả tạo này xây dựng nên tất cả yêu thương tưởng tượng của tôi dành cho bà ta.
Tôi vui vẻ hợp tác, vừa ngọt ngào cười nói yêu thương gọi mẹ, vừa cười lạnh trong lòng.
Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi em gái tôi ra đời.