Tam Hạ Nam Đường
Chương 38: Bát vương dâng kế ly gián Quang Mỹ dụ tướng Dương Nghiệp
Vua Thái Tông lúc ấy thâu quân về dinh, tính không ra kế, nên buồn bã không vui. Bát vương trông thấy, liền hỏi:
- Hôm nay bệ hạ buồn, có phải tìm không ra kế gì để đối phó với cha con Dương Nghiệp chăng? Thái Tông nói:
- Tại sao khanh hiểu ý trẫm? Vậy khanh có kế chi trừ được Dương Nghiệp chăng? Bát vương tâu:
- Tôi có nghĩ một kế ly gián, xin bệ hạ sai một người thạo về ăn nói, đến Hà Đông làm kế ấy, thì ất cha con Dương Nghiệp qui hàng. Vua Thái Tông mừng rỡ nói:
- Kế ấy rất hay, ngặt không có người xứng đáng để sai khiến. Bát vương tâu:
- Việc này xin bệ hạ sai Dương Quang Mỹ đi thì ắt thành công. Dương Quang Mỹ nghe nói bước ra tâu:
- Ngu hạ tuy bất tài, xin lãnh việc này để giúp nước.
Vua Thái Tông mừng rỡ, cấp vàng bạc, gấm vóc rất nhiều. Dương Quang Mỹ tạ từ vua trở về dinh, trong đêm ấy dẫn một ít tên quân qua Hà Đông thi kế. Đi chưa đầy nửa đêm, đã đến dinh Triệu Toại. Quang Mỹ vào gõ cửa, đem tiền lo lót cho quân canh, và nói:
- Ta là anh em bạn thiết của Triệu tướng công, lâu ngày không thấy mặt nhau, hôm nay rảnh việc đến thăm xin cho vào ra mắt.
Quân canh thấy có tiền liền mở cửa cho Quang Mỹ vào, lại cho thêm vàng bạc cho bọn quân giữ cửa để được vào trong, nói chuyện với Triệu Toại. Triệu Toại là viên quan thân thích của Lưu Quân, nói việc gì Lưu Quân cũng nghe, mà hình lại tham lam, thấy tả hữu dâng lễ vật rất nhiều, nên cho đòi Quang Mỹ vào hỏi:
- Ông là quan đại thần ở bên Thiên triều, vì cớ nào đêm hôm lại đến đây, xin nói cho tôi biết? Dương Quang Mỹ nói:
- Tôi cũng vì việc nước nên đến đây ra mắt đại nhơn, sau có việc muốn bàn riêng. Bởi chúa tôi biết đại nhơn là người thân của Lưu Quân muốn việc gì Lưu Quân cũng nghe, nên đến cậy đại nhơn giúp ột việc.
Triệu Toại là kẻ tham lam, thấy tiền bạc thì sáng mắt lên, nên Quang Mỹ không ngần ngại, nói với Triệu Toại:
- Trung Nguyên với Hà Đông không có thù địch, binh Tống đi chinh phục cất là lấy oai để cảm hóa cha con Dương Nghiệp, khiến cho hai nước giao hòa. Nay tôi qua đây cầu đại nhơn tâu với Lưu chúa đừng dùng cha con bọn Dương Nghiệp, thì chúng tôi nguyện rút quân về U Châu, đợi hai nước giao hòa. Chừng ấy ắt đại nhơn sẽ được nhiều danh vọng.
Triệu Toại nghe nói xiêu lòng, có ý chê cha con Dương Nghiệp:
- Vậy xin ông hãy yên tâm để tôi lập kế trừ cha con Dương Nghiệp cho.
Triệu Toại liền dạy quân bày tiệc rượu, ăn uống xong tiễn Quang Mỹ trở về. Sau đó Triệu Toại đem lễ vật của nước Tống, tìm cách phân tin Dương Nghiệp có ý chiếm Hà Đông chia hai thiên hạ với Tống.
Mấy hôm sau, tiếng đồn vang dội, Triệu Toại lại khiến người tâm phúc lén qua dinh Tống hứa hẹn sẽ làm xong lời hứa. Vua Thái Tông nghe tin ấy mừng rỡ hỏi Quang Mỹ:
- Việc như vậy rất đáng tin. Quang Mỹ tâu:
- Triệu Toại là đứa tiểu nhơn, tham lam tiền bạc, lại hay ganh tị, thấy cha con Dương Nghiệp thành công thì trong lòng bực tức. Xin bệ hạ chờ cho Triệu Toại làm xong việc, trừ được cha con Dương Nghiệp thì đất San Hậu phải về tay chúa thượng.
Ngày kia, Dương Nghiệp lại nghe đồn là cha con mình muốn thâu đoạt đất San Hậu dâng cho Tống đế, nên nổi giận nửa đêm vào tâu với Lưu Quân việc đồn đại ấy. Lưu chúa nghe Triệu Toại nói thì thất kinh hỏi:
- Bây giờ chúng ta có mưu kế gì mà bắt cha con Dương Nghiệp. Triệu Toại tâu:
- Nếu bệ hạ đã quyết thì chẳng khó gì. Ngày mai bệ hạ ra chiếu đòi Dương Nghiệp về hỏi sơ qua vài tiếng rồi ra lệnh cho các tướng bắt trói thì Dương Nghiệp chạy đâu cho thoát.
Lưu Quân khen phải. Sáng hôm sau, sai sứ đến đòi Dương Nghiệp hồi trào nghị việc. Dương Nghiệp không ngờ vào triều bái mạng. Lưu Quân rút kiếm ném xuống thềm ra lệnh cho phục binh áp tới bắt trói Dương Nghiệp. Dương Nghiệp không biết cớ gì, lớn tiếng nói:
- Tôi có tội gì mà bệ hạ làm như vậy? Lưu Quân nói:
- Ngươi thiệt là đứa phản tặc, ta chưa bạc đãi ngươi mà ngươi mang lòng mãi quốc? Như vậy ngươi còn gọi là không tội.
Nói rồi truyền võ sĩ dẫn Dương Nghiệp ra chém. Lúc ấy Tống Trai Khấu hay tin lật đật chạy tới cản lại, tâu với vua rằng:
- Cha con Dương Nghiệp thật có lòng trung với nước, xin bệ hạ chớ nghe lời kẻ nịnh mà hư việc lớn. Lưu Quân nói:
- Dương Nghiệp có ý phản ta, việc ấy tiếng đồn khắp nơi, nếu không trừ trước thì mang đại họa. Đinh Quới lúc đó cũng quỳ tâu:
- Hôm nay binh Tống còn đương giao tranh, bệ hạ giết trung thần thật là điều không nên. Xin bệ hạ truyền cho Dương Nghiệp đánh lui binh Tống để thử lòng trung.
Lưu Quân nhận lời tha chết cho Dương Nghiệp, và dạy phải đánh lui binh Tống mới mong thoát tội. Dương Nghiệp trở về dinh, kêu các con đến nói:
- Công việc hôm nay, ta chắc là nước Tống đã làm kế phản gián, khiến Hớn chúa nghi cha con mình, vậy phải tính kế chi để trừ kế phản gián. Con Dương Nghiệp là Dương Diên Đức thưa:
- Phụ thân chớ lo chi cho hao tổn, Hớn chúa đã mờ ám, lại nghe lời nịnh thần, cha con ta ở đây làm chi cho xấu hổ hãy kéo nhau về U Châu, chờ binh Tống lấy hết Hà Đông, để xem Hớn chúa hối hận. Dương Nghiệp nói:
- Lòng ta hết ngay vì nước, bây giờ không lẽ trở về, vậy ngày mai các con cứ đem binh ra khiêu chiến, rồi sau sẽ tính.
Hôm sau, anh em Dương Diên Đức đem binh khiêu chiến, bên dinh Tống vẫn làm ngơ, nên túng thế phải dẫn binh về. Vua Thái Tông hay việc Dương Nghiệp bị mắc kế, liền đòi các đại thần, đến bàn luận. Dương Quang Mỹ tâu:
- Nay Dương Nghiệp đã căm hờn Hớn chúa, ta phải nhân lúc này qua thỉnh cầu thì xong việc. Vua Thái Tông nói:
- Ta cũng tính như vậy, nhưng nghĩ chưa ra kế. Quang Mỹ tâu:
- Tôi tính trong nửa tháng nữa thì đất Hà Đông phải bó tay, còn cho con Dương Nghiệp cũng về đầu bệ hạ. Vua Thái Tông nói:
- Việc này trẫm giao cho khanh lo liệu.
Quang Mỹ vâng mạng lui ra, về định sắp sửa đến cầu Dương Nghiệp. Dương Nghiệp hay tin có tướng Tống đến, nghĩ thầm:
- Năm trước cũng tên này đến cầu hòa, ta rộng lòng hậu đãi cho về nên Hớn chúa nghi kỵ ta, bây giờ nó còn muốn tới đây gây chuyện nữa. Vậy ta phục binh trước, chờ nó vào mà hạ sát.
Quang Mỹ theo quân vào đến chánh dinh làm lễ bái kiến, thấy Dương Nghiệp ngồi giữa, bảy người con đang hầu hai bên, Dương Nghiệp hỏi Quang Mỹ:
- Ngươi đến đây có việc chi? Quang Mỹ đáp:
- Tôi vâng lệnh vua Tống đến đây cầu tướng quân. Dương Nghiệp nghe nói hét lớn:
- Ngươi bảo ta đầu Tống là có ý gì? Dương Quang Mỹ nói:
- Tôi thường nghe: chim khôn lựa cành cây mà đỗ, tôi hiền tìm chúa sáng mà thờ. Tướng công hết lòng giúp Lưu Quân để giữ đất Hà Đông mà Lưu Quân không thấy lòng trung nghĩa của tướng công. Như Tống chúa, đức rải bốn phương, ai nấy đều phục tùng, xin tướng công nghĩ lại mà về nơi có ánh sáng. Dương Nghiệp nói:
- Nay ta niệm tình tha cho ngươi về, vậy ngươi phải sai một tướng nào có đủ tài lực đem binh ra đấu chiến với ta.
Quang Mỹ từ giã lui về, làm bộ bỏ rơi một cuốn giấy, có vẽ bản đồ hứa rằng nếu Dương Nghiệp về đầu Tống, vua Tống sẽ cất dinh đón rước. Cha con Dương Nghiệp bàn luận cùng nhau, rối đêm ấy kéo quân đi hết. Quân Tống hay tin, chạy về báo với vua Thái Tông:
- Cha con Dương Nghiệp đã lui binh hết rồi. Vua Thái Tông hỏi:
- Làm thế nào để dụ được cha con Dương Nghiệp bây giờ? Quang Mỹ tâu:
- Nay nhân dịp Dương gia lui binh lén trốn, thì ắt có lòng phản rồi, bây giờ đồn Lưu Quân đương kết binh với Đại Liêu đem ra Ứng Châu thảo tội cha con hắn. Nếu lời điêu ngôn như vậy thấu đến tai người, chỉ có khỏi lo sợ! Chừng ấy bệ hạ sai người ra nói công chuyện một ít hồi, thì làm sao phe đó cũng về đầu bệ hạ.
Thái Tông nhận lời, bèn truyền lệnh ra khắp hết trung quân, giả như người thương khách đi nói khắp mọi nơi trong xứ San Hậu. Trong một ngày tiếng điêu ngôn đó đến tai Dương Nghiệp, binh tình đều thất kinh, còn Dương Nghiệp buồn rầu ngồi đứng không yên chỗ. Lúc ấy Lữ thị phu nhân là vợ Dương Nghiệp thấy chồng buồn bực thì hỏi rằng:
- Chẳng hay lang quân đem binh đi cứu viện mấy bữa nay, nhân sao tôi thấy có sắc lo rầu dữ tợn vậy? Dương Nghiệp bèn đem chuyện Lưu chúa làm như vậy. . . đọc lại một hồi và than thở. Lữ phu nhân hỏi:
- Vậy chớ lang quân có kêu các con thương nghị việc ấy chăng? Dương Nghiệp nói:
- Có mấy đứa đều khuyên ta đi đầu Tống, mà ta ngại chúng nó ăn chưa no, lo chưa tới, nên ta không nghe. Phu nhơn nói:
- Nếu Đại triều hậu đãi ta, cũng là chước hay, sao ông không nghe theo chúng nó? Dương Nghiệp nói:
- Chẳng biết người có hậu đãi hay không, mà nay mang chữ bất trung với Hớn chúa nữa, chừng ấy mới khó bề lui tới.
Dương Nghiệp nói rồi bỏ đi vào thơ phòng nghị luận. Khi đó Ngũ lang là Diễn Đức bước vào hỏi mẹ rằng:
- Chẳng biết nãy giờ phụ thân nói việc chi với mẹ?
Lữ thị thuật các lời của chồng nói lại cho con nghe, Diên Đức thưa công việc bên trào Tống hậu đãi ẹ nghe, và giở các bản đồ Vô Hình phủ của vua Tống cất sẵn, dành để cha con về ở.
Khi ấy hai người em gái của Diên Đức là Bát nương và Cửu muội chạy lại xem, thấy các việc như vậy, thì ngày đêm khuyên bảo mẹ nói với cha, làm sao cũng về đầu Tống mà thôi. Hôm sau, Dương Nghiệp vào ăn uống với Lữ thị phu nhơn. Lữ thị hỏi chồng rằng:
- Thiếp có nghe trung quân chúng nó rộn rực, đều lo sợ việc Đại triều đến phạt. Vậy lang quân liệu thế nào chớ thiếp hàng ngày lo lắng! Nếu đó chúng dung tình, tính bề gấp, thì bọn ta khó tới mà cũng khó lui. Thiếp cũng nghĩ hết, bóng quang âm như tên thoát, ngày tháng tợ tHồi đưa mà công danh của lang quân lập chưa rồi, thật đáng buồn đáng tiếc! Bây giờ theo ý ngu của thiếp tướng cùng lời nghị của trẻ hãy thuận tình xin đó bỏ dứt Hà Đông, về thuận với Đại triều, đặng trước là rõ cái chí bình sanh, sau nữa khắc tên vào kim thạch, chớ để chìm nổi theo bọn di địch đây hoài, cả đời cũng mang tiếng như đứa thất phu kia vậy! Dương Nghiệp nghe lời của vợ nói, thì thư thuận trong lòng liền đáp:
- Lời của phu nhơn luận rất nhằm lý, vậy để mai ta cùng các tướng thương nghị lại coi thế nào đã.
Dương Nghiệp nói rồi bỏ vào thơ phòng thổn thức cả đêm, chờ cho gắng đêm, ra lệnh nhóm các tướng đàm luận về việc đầu hàng Trung Quốc. Lúc ấy Vương Quốc ra thưa rằng:
- Đại nhân tính như vậy cũng xong, song trước phải coi trọng tư thế mình, sau người mới kính chuộng. Vậy bây giờ đại nhân viết một cái hàng biểu, sai người qua trước nói chuyện với Tống quân hay, đợi người sai đại thần cùng sắc mạng qua đây rước, rồi sẽ về đầu cũng chẳng muộn. Dương Nghiệp rất mừng mà nói rằng:
- Lời em luận đó rất hay, vậy để ta thảo một tờ mây sai người qua đó trước.
Dương Nghiệp nói rồi liền viết biểu sai bộ tướng là Trương Văn Tiền qua Tống dinh dâng biểu. Chẳng bao lâu vua Thái Tông thâu đặng biểu liền nhóm văn võ hỏi.
- Hôm nay Dương Nghiệp khiến người dâng biểu xin thuận về bây giờ biết chi cho vừa lòng? Bát vương tâu:
- Nếu vương gia chịu về đầu phục, xin bệ hạ chớ lấy sự thường mà đãi, phải lựa văn võ hai người cho thuần hậu, cùng đem sắc chỉ triệu, và phải lấy lời thuận lẽ êm mà nói chuyện, thì Dương Nghiệp ắt vui lòng theo về không nghi ngại. Vua Thái Tông khen phải, liền hỏi:
- Trong văn võ có ai chịu đi việc này đặng? Dương Quang Mỹ bước ra bảo tấu:
- Văn thì có Ngưu Tư Tấn, lời ăn nói thông minh và bặt thiệp; còn võ tướng có Hô Diên Táng, anh hùng mà có khí độ, hai người ấy đi chắc đặng vẹn toàn.
Vua Thái Tông nhậm lời tấu, liền giáng chỉ sai hai người đem lễ vật và sắc chỉ đến Ứng Châu mà rước Dương Nghiệp. Hai người vâng mạng, lãnh chỉ đi đến ra mắt Dương Nghiệp và đọc chiếu. Dương Nghiệp nghe xong, tiền bái tạ, rồi thỉnh Ngưu Tư Tấn, Hô Diên Táng vào phòng khách đàm luận. Ngưu Tư Tấn nói:
- Chúa thượng tôi đã hết lòng thỉnh cầu, nên mới sai bọn tôi đến rước, xin quí vị chớ nghi ngại nữa. Dương Nghiệp nói:
- Từ thuở tôi ẩn cư đến nay, trên hết lòng ngay với tướng chúa, dưới cũng không lập được công lao, thật rất xấu hổ với Trung Quốc. Hô Diên Táng nói:
- Lưu chúa đã dùng gian nịnh bày kế hại tướng công, ngày nay ngài tính qui thuận đại triều, ấy là trời khiến cho ngài lưu danh hậu thế, đâu phải việc tình cờ.
Dương Nghiệp thấy hai tướng ăn nói lễ phép, lòng rất kính phục liền dọn yến thết đãi. Trong lúc chuyện vãn hai bên rất tâm đắc. Tiệc xong, hai người từ tạ lui ra quán dịch, còn Dương Nghiệp vào trong nói chuyện lại cho Lữ phu nhân hay. Lữ phu nhân nói:
- Việc ấy đã đúng lẽ phải rồi, ông mau sửa sang mà đi cho kịp.
Dương Nghiệp lúc này rất vui vẻ, hối thúc các con sửa soạn binh mã, chở hết tài sản đem theo về Tống. Công việc đâu đó xong xuôi, hẹn với hai tướng Tống ngày lên đường.
Lời bàn: Kế sách gián điệp chỉ thành công khi mà nội bộ đối phương có mâu thuẫn cùng nhau. Dương Nghiệp là một tướng tài, đem quân giúp Hớn chúa làm cho nước Tống không thể chinh phục thiên hạ, phải dùng kế gián điệp để chia rẽ tình cảm nội bộ. Đây là một kế sách trong tam thập lục kế của người thời xưa, sở dĩ đối phương mạnh là do tình đoàn kết nội bộ, tình thương của tất cả những người cùng chung một hướng. Kế làm gián điệp là kẻ đi từ những mâu thuẫn lại nội bộ đế khai thác, làm cho nội bộ nghi ngờ nhau. Khi nội bộ đã nghi ngờ nhau, thì không còn tình đoàn kết, mà đã mất tình đoàn kết thì tất nhiên phải yếu kém. Lời xưa nói: Đoàn kết là sức mạnh của một gia đình, của một dân tộc.-oOo-
- Hết hồi 38:0 (156):