Giữa Hai Lớp Vỏ - Chương 1
Cập nhật lúc: 2025-05-14 15:12:59
Lượt xem: 385
01
Tôi và anh trai cách nhau bốn tuổi, lúc sinh tôi ra, chính sách kiểm soát sinh ở quê vẫn còn lỏng lẻo.
Hai năm sau, mẹ lại mang thai, đúng lúc kiểm tra gắt gao.
Cán bộ phụ nữ cùng bí thư thôn đến tận nhà khuyên nhủ: "Đủ nếp đủ tẻ rồi, đừng sinh nữa."
Mẹ tôi cười gượng: "Tôi còn muốn sinh thêm đứa con trai nữa, không thì sau này A Quân có chuyện gì, chẳng có ai gánh vác cùng."
Họ nói hết lời, mẹ cũng vờ như xuôi theo.
Thế mà hôm sau đã trốn biệt.
Sáu tháng sau, bà sinh ra em gái tôi, rồi bị ép đi triệt sản.
Nếu không đặt vòng, có lẽ tôi đã có thêm một cậu em trai rồi.
Tôi từng nghĩ, tôi với em gái đều là con gái, chắc sẽ được yêu thương như nhau.
Nhưng thực tế thì khác biệt lắm.
Em út thì luôn được cưng chiều hơn.
Hồi bé tôi hay đ á n h nhau với anh, mẹ bảo: "Nó là con trai, con không đ.á.n.h lại thì đừng gây sự."
Tôi cãi nhau với em gái, mẹ lại mắng: "Nó nhỏ hơn con, sao con lại bat nat nó?"
Nhà tôi nuôi nhiều gà đẻ trứng, mỗi lần mẹ nấu xong trứng, dùng đũa chia đôi.
Một nửa cho anh trai, phần còn lại múc phần nhiều cho em gái, đáy bát là phần của tôi.
"Món này ăn với cơm là ngon nhất, tinh túy đều ở đáy bát đấy Yến Tử à."
Sau này tôi lên tiểu học.
Bố mẹ đi làm suốt cả ngày, em gái do bà nội trông.
Buổi trưa phải về nhà ăn cơm, tôi phải nấu cơm rang cho anh trai.
Bếp quê cao, tôi phải đứng lên ghế mới cầm được xẻng đảo cơm.
Mỗi lần làm cơm trứng, tôi dùng bốn quả trứng, chia đều hai anh em, công bằng tuyệt đối.
Trẻ con mong Tết lắm, nhưng tôi thì không.
Tôi toàn mặc lại đồ cũ của anh trai, còn tiền lì xì mua quần áo thì hoặc là đưa cho anh, hoặc là cho em gái.
Tóm lại, chẳng bao giờ đến lượt tôi.
Rằm tháng Tám, họ hàng đem đến bánh trung thu.
Loại ngon nhất – nhân hạt sen trứng muối – bị anh trai ôm hết.
Em gái cầm bánh ngũ nhân, chỉ gặm hết lớp vỏ bên ngoài, để lại phần nhân bên trong.
Mẹ đưa chỗ nhân đó cho tôi: "Ăn đi, phần ngon nhất đấy, em con chừa lại cho con mà."
Tôi lắc đầu.
Bà còn cau mày trách: "Có đồ tốt mà còn kén chọn!"
Sau đó khi tôi đi cho heo ăn, phát hiện phần nhân đó nằm lẫn trong máng thức ăn.
Thứ ngon như vậy, sao mẹ không tự ăn?
Bố mẹ làm lụng vất vả, gần như không có ngày nghỉ.
Cuối tuần, tôi phải giặt đồ cho cả nhà.
Quần áo họ dày nặng, thấm nước rồi tôi vắt không nổi.
Trời chưa sáng, hơi nước bay là là trên mặt ao.
Cảnh tượng như suối nước nóng, nhưng nước ao thì lạnh thấu xương.
Lúc ấy, tôi có ảo giác: dường như trên đời chỉ còn lại một mình tôi, trơ trọi.
02
Cuối cùng là tiếng cụ già dắt trâu buổi sớm kéo tôi khỏi màn sương: "Yến Tử đúng là ngoan quá đi."
Khi ấy, tôi đắm chìm trong lời khen của mọi người, mãi đến sau này mới bắt đầu tự hỏi: tại sao lại là tôi?
Tại sao anh trai lớn hơn tôi vài tuổi lại được ngủ nướng?
Tại sao người được khen ngoan hiểu chuyện mãi mãi chỉ là con gái trong làng?
Lững thững, tôi cũng lớn lên.
Anh trai hơn tôi bốn lớp, năm anh thi vào cấp ba thì tôi học lớp Năm.
Mẹ học chưa xong tiểu học, nên từng khổ sở vì mù chữ.
Vì thế bà rất quan tâm chuyện học của anh, dù vậy, anh vẫn trượt trường cấp ba thành phố.
Mẹ là người xa quê lấy chồng, bình thường hay tự ti, nhạy cảm.
Lúc nào cũng kể là họ hàng trên thành phố xem thường chúng tôi.
Bà không thân thiết với các bác, các cô.
Nhưng lần ấy, bà vẫn cúi mình đến cầu xin bác cả.
Cuối cùng bác ra mặt, xin cho anh vào học trường cấp ba ở trấn bên.
Sau khi có kết quả, mẹ lại lẩm bẩm:
"Sao không cho A Quân vào trường huyện, sợ cuối tuần nó về ăn cơm nhà họ chắc?"
Bà buồn, tôi liền an ủi: "Mẹ ơi, sau này con nhất định sẽ đỗ vào Nhất Trung."
Mẹ liếc nhìn tôi, giọng nặng nề: "Con đỗ có ích gì, con đâu phải anh con."
Những lời còn lại nghẹn ngay nơi cổ họng.
Từ nhỏ đến lớn, họ chưa từng quan tâm tới thành tích học của tôi, cũng chẳng ai dạy tôi làm bài.
Lúc nào cũng bảo tôi cái gì cũng biết, đỡ lo hơn anh.
Thì ra không phải.
Mà là họ chẳng quan tâm tôi thôi.
Hết hè, tôi vào lớp Sáu.
Vì viết văn tốt, phát âm chuẩn, tôi được chọn đi thi đọc diễn cảm ở huyện.
Bố mẹ bận đi làm, đưa cho tôi năm đồng.
Cuộc thi kéo dài cả ngày, tôi thi buổi chiều.
Lúc nghỉ trưa, các phụ huynh dắt con đi ăn nhà hàng, cô giáo kéo tôi đi: "Mình ăn cơm căn-tin nhé."
Vừa đến cổng, bác cả vội vàng chạy tới.
"Yến Tử, bác dẫn cháu đi ăn."
Vì mẹ luôn nói xấu họ hàng, nên tôi có phần sợ bác.
Rụt rè theo sau, bác dẫn tôi đi ăn cơm niêu.
Bác chan đều nước sốt, trộn cơm cho tôi, còn mua thêm chai soda cam.
Ăn xong bác không đi ngay, còn ở lại cổ vũ khi tôi đọc xong bài thi.
Xuống sân khấu, bác khen tôi liên tục.
Tôi lúng túng không biết nói gì, bác xoa đầu tôi:
"Yến Tử, cố học hành nhé, học vẫn là con đường tốt nhất."
"Năm đó bác là người đầu tiên ở làng học hết cấp hai, nên giờ mới có việc làm ở thành phố, được phân nhà, cưới được vợ thành phố."
"Cháu thông minh hơn anh cháu đấy, con gái cũng phải cố gắng học hành."
03
Những lời này, trước giờ chưa ai từng nói với tôi.
Lúc chia tay, bác cho tôi mười đồng.
Căn dặn kỹ lưỡng không được nói với mẹ hay bác gái.
Về nhà, tôi vui mừng kể mẹ nghe chuyện bác cả đến xem thi, còn dẫn tôi đi ăn.
Mẹ dửng dưng: "Sao không đưa mày về nhà bác? Chắc bác gái chê mày dơ đấy."
Như bị tạt gáo nước lạnh thẳng mặt, tôi bừng tỉnh.
Tôi siết chặt mười đồng trong túi, cuối cùng không lấy ra đưa mẹ.
Cũng từ năm đó, Tết năm nào bác cả cũng gọi riêng tôi ra, lén đưa tiền lì xì.
Đó là khoản duy nhất thuộc về tôi.
Cuộc thi năm ấy tôi đoạt giải Nhì, giấy khen được dán lên tường hơn một năm.
Sau này dọn dẹp lỡ làm rơi, nó cũng bị đem đi nhóm bếp như bao giấy khen khác.
Tôi học cấp hai ở quê.
Khi đó nhà vẫn trồng lúa, hè đến phải gặt lúa, cấy mạ, nhưng em gái thì không cần đi.
Có lần tôi đến kỳ, đau đến tái cả mặt, xin mẹ cho ở nhà nghỉ.
Mẹ cau có, trợn mắt: "Chỉ có mày là yếu đuối."
Chưa đầy lát, bố về nhà, mắng om sòm, nói tôi không biết thương bố mẹ vất vả.
Cuối cùng tôi vẫn phải đi, chân trần bước xuống ruộng, bùn nước ngập cả bàn chân.
Lời trách móc tôi lười biếng, yếu đuối như tiếng trống đập vào tai, đau đớn choáng váng.
Vì rải phân, cá trê không chịu nổi, ngửa bụng chec trắng khắp nơi.
Khoảnh khắc ấy, tôi thậm chí còn ghen tị với chúng – ít nhất cũng không còn cảm giác gì nữa.
Khoảng thời gian vui vẻ nhất mỗi ngày, chính là ở trường.
Tôi có một người bạn tên Anh Tử.
Cô ấy đi học trễ nên lớn hơn tôi vài tuổi, mẹ mất sớm, giờ sống với bố và mẹ kế.
Mẹ kế rất tệ, cơm mang đến trường thường bị ôi.
Chúng tôi ngồi ở sân trường chia nhau cơm, cô ấy nói:
"Tớ nhất định sẽ học thật giỏi, rời khỏi nơi này, bay thật xa, không bao giờ quay lại."
Nhưng hè năm lớp 8, tôi đến trường nhận bảng điểm, chẳng thấy cô ấy đâu.
Tôi tìm một bạn học cùng làng với cô ấy, người đó ấp úng nói:
"Anh Tử hôm nay lấy chồng rồi."
04
Tôi như bị sét đ.á.n.h, đầu ong ong cả lên.
Hôm đó trời nóng như đổ lửa, tôi điên cuồng chạy dọc theo con đường quê.
Cuối cùng cũng đến nhà Anh Tử, cô ấy mặc một chiếc váy đỏ rực, gương mặt vô hồn bị người ta đẩy vào xe Santana.
Tôi gọi tên cô ấy.
Cô ấy nhìn thấy tôi, nước mắt lập tức tuôn ào ạt.
Cô ghé sát tai tôi, nghẹn ngào thì thầm:
"Yến Tử… tớ không bay nổi nữa rồi… Cậu nhất định, nhất định đừng trở thành tớ."
Giờ lành đã đến, cô bị đẩy lên xe.
Mẹ kế của cô ấy tươi cười dúi vào tay tôi một nắm kẹo cưới.
Tôi nghe thấy khách khứa xung quanh bàn tán:
“Chồng của Anh Tử là người đã ly hôn, ngoài ba mươi tuổi, đưa năm vạn tiền sính lễ.”
Đám kẹo đó, tôi chẳng ăn lấy một viên.
Về nhà, em gái tôi lục trong cặp ra hết.
Nó ngồi vắt vẻo trên bậc cửa, miệng đầy kẹo ngọt, vẻ mặt vô lo.
Thời gian trôi nhanh, anh trai tôi thi đại học xong.
Mẹ tràn đầy hy vọng, nhưng kết quả lại như cú tát thẳng vào mặt bà.
Anh chỉ được hơn ba trăm điểm.
Thậm chí còn không đủ điểm vào đại học dân lập.
Hôm đó bầu không khí trong nhà nặng nề kỳ lạ.
Bố mẹ tan làm sớm, dưới ánh đèn vàng vọt, mẹ nói:
"Quân Quân à, hay con học lại một năm đi. Mẹ nhớ hồi nhỏ con thông minh lắm mà, hai tuổi đã đếm được từ một đến một trăm..."
Anh trai cáu kỉnh ném đũa xuống bàn:
"Học lại cái gì! Con vốn không hợp với việc học! Hơn nữa nhà cũng đâu có tiền, Yến Tử với San San đi học cũng tốn kém!"
Đúng vậy, lúc đó đi học phải đóng học phí.
Tiểu học hơn hai trăm, trung học bốn năm trăm, lên cấp ba là cả nghìn đồng.
Với một gia đình nông thôn, đó là một khoản không hề nhỏ.
Mẹ nhìn tôi một cái rồi nói: "Yến Tử sang năm tốt nghiệp cấp hai rồi, có thể đến Quảng Đông kiếm tiền. Đến lúc đó gánh nặng trong nhà sẽ nhẹ đi một chút."
Bà kiên nhẫn khuyên nhủ anh tôi: "Con là con trai, phải học hành mới có tương lai. Mắt cận nặng như thế, sức khỏe cũng không tốt, chẳng lẽ con định cả đời làm ruộng sao? Ngay cả một gánh thóc cũng không vác nổi!"
05
Tôi đột ngột đứng bật dậy: "Không! Con không đi làm thuê, con muốn học tiếp!"
Những ngày đó tôi sống trong lo sợ tột cùng, đêm nào cũng mơ thấy mình bị bán đi với giá năm vạn giống như Anh Tử.
Vài ngày giằng co, cuối cùng anh tôi nhập học ở một trường dạy nghề máy tính.
Khi đó máy tính đang rất hot, quảng cáo các trường nghề tràn ngập khắp nơi. Học phí rất đắt, đến tối hôm gom đủ tiền, mẹ nói với tôi: "Chúng ta đã thỏa thuận rồi, nếu con không đậu trường Nhất Trung thì đừng học nữa."
Lên lớp 9, tôi được xếp vào lớp trọng điểm, học hành rất căng thẳng. Dù vậy, mỗi ngày sau giờ tan học tôi vẫn phải nấu cơm tối cho cả nhà.
Em gái đang học lớp 6, mỗi ngày tan học là chạy khắp làng chơi đùa. Tôi đã nói với bố mẹ không biết bao nhiêu lần rằng nó cũng có thể nấu cơm, nhưng mẹ luôn nói nó ngốc, không học nổi. Nhưng ai sinh ra đã biết làm hết?
Sau đó tôi cãi nhau một trận to với em gái, nó mới chịu giúp một tay.
Đó là một năm tôi nỗ lực hết mình, cũng là một năm đầy giày vò.
Trường tôi chỉ có 20 suất thi tuyển vào Nhất Trung, tôi là một trong số đó.
Thầy giáo dẫn chúng tôi lên huyện thi trung khảo. Đến môn thi cuối cùng, vừa nhận đề, tôi bất ngờ chảy m.á.u cam, mà không sao cầm lại được.
Giám thị hoảng hốt, bảo tôi đi khám. Tôi xin một cuộn giấy, nhét vào mũi, thay đi thay lại, giấy thấm m.á.u chất đầy bàn, cứ thế tôi làm xong bài thi.
Trong một tháng chờ kết quả, có rất nhiều người đến tìm bố mẹ tôi, hỏi có muốn dẫn tôi đi Quảng Đông làm công không.
Hồi đó đi làm công trong xưởng đều là rủ rê nhau cùng đi.
Bố mẹ bắt đầu dao động, nhưng tôi nhất quyết đòi chờ kết quả thi.
Mấy cô dì trong làng cười nhạo:
"Con gái thì sớm muộn cũng phải gả chồng, học hành chi cho phí."
"Học phí trường Nhất Trung đắt đỏ vậy, ba năm cấp ba bố mẹ cô chắc phải lột da mất."
"Phải đó, học Nhất Trung cũng đâu có nghĩa là ai cũng đậu đại học."
…
Cuối cùng bố mẹ đồng ý với dì Lưu, để dì ấy dẫn tôi đi.
Tôi gào khóc, năn nỉ thế nào cũng không được, đành lén gọi điện cho bác cả.
Tối hôm đó bác bắt xe về liền.
Ông mắng bố mẹ tôi: "Làm cha mẹ phải giữ chữ tín. Hứa với Yến Tử chỉ cần nó đậu Nhất Trung thì cho học tiếp, giờ lại đòi bắt nó đi làm thuê."
"Đừng có thiển cận như vậy!"
Bố mẹ tôi đành nhượng bộ.
Mẹ lẩm bẩm: "Thi còn bị chảy m.á.u cam như thế, chắc gì đã đậu. Thôi thì chờ thêm vài ngày nữa cũng được."
Trong sự chờ đợi đầy thấp thỏm, kết quả thi cuối cùng cũng có.
06
Hôm đó tôi đang gặt lúa ngoài ruộng, em gái hét lớn rồi chạy dọc bờ ruộng: "Chị ơi, cô giáo gọi điện! Chị đậu Nhất Trung rồi!"
"Chị đậu rồi! Chị đậu rồi!"
Nắng mười giờ sáng gay gắt như thiêu, mà lòng tôi như nở hoa.
Tôi nhảy bật khỏi ruộng bùn, nước mắt tuôn trào, nhìn bố mẹ đầy mong đợi.
Mẹ lẩm bẩm: "Giá mà là Quân Quân thì tốt biết mấy."
Bố lau mồ hôi, mặt đầy không cam lòng: "Đã đậu rồi thì đi học đi."
Em gái ngồi bên bờ ruộng, vọc chân trong nước, ngưỡng mộ nói: "Chị giỏi quá đi."
Tôi nhìn nó: "Em sắp vào cấp hai rồi, từ lớp 6 bắt đầu cố gắng vẫn kịp."
Mẹ cũng nói theo: "Đúng đấy, San San, con cũng phải cố gắng. Chị con đi học được, nếu con đậu, dù có phải bán hết đồ trong nhà mẹ cũng cho học."
Em gái cười khì khì: "Con không thích học, con về nhà nấu cơm đây."
Nó đứng dậy, chạy biến đi mất.
Trên đường về, có người chúc mừng, cũng có người nói móc.
Dì Lưu là người ghét cay ghét đắng, răn bố mẹ tôi rằng nuôi con gái học hành là đi nuôi người khác, không đáng. Có tiền thì nên dành cho con trai.
Bố mẹ lại lung lay. May mà tối đó bác gọi đến mắng cho một trận, chuyện học hành của tôi mới được quyết định dứt khoát.
Nhà làm ruộng xong, bác gái gọi tôi lên huyện giúp việc.
Hồi đó công ty dệt bông phá sản, bác bị cho nghỉ việc sớm.
Bác mở một tiệm tạp hóa ở chợ gần nhà, bán mắm muối dầu giấm, vì vị trí đẹp nên buôn bán rất đắt hàng.
Tôi đến phụ trông tiệm.
Lúc mới đến bác khá ghét tôi, chê tôi ăn mặc rách rưới, nói tôi có chấy, còn bảo bố mẹ tôi vụng về.
Nhưng tôi tính nhẩm nhanh, siêng năng, lại có thể dạy học cho em họ, nên chẳng bao lâu bác cũng chấp nhận.
Mùa hè đó tôi trải qua rất nhiều "lần đầu tiên" trong đời.
Lần đầu ăn mì ly và kem ly, lần đầu có nửa quả dưa hấu của riêng mình, lần đầu được mặc quần áo mới tinh.
Hè đó trời cực kỳ oi bức, ngày nào cũng có người nuôi tôm đến bán tôm hùm đất.
Hai đồng một cân, con rất to.
Bác thường mua mười, hai mươi đồng một lần. Tôi ngồi trên ghế con chà tôm cả chiều.
Tối đóng cửa hàng, bác nấu tôm, cả nhà ba người và tôi ăn cùng, thỉnh thoảng có thêm vài hàng xóm tới ké.
Đêm hè nóng nực, gió thổi cũng mang hơi nóng.
Bác trai thích uống bia tươi, lúc vui cũng rót cho tôi và em họ mỗi đứa nửa cốc: "Nào, thử chút xem."
Đôi khi tôi nghĩ: “Giá mà tôi là con gái của bác thì tốt biết mấy.”
Hè trôi qua rất nhanh, trước khi khai giảng, bác gái đưa tôi 100 đồng, bảo em họ dẫn tôi đi mua giày.
Hồi đó trong thị trấn đã có các cửa hàng Xtep, Anta.
Nhưng nghèo và tự ti ăn sâu vào m.á.u, dù cầm tiền trong tay tôi cũng không dám bước vào.
Cuối cùng tôi xuống phố ngầm, mua một đôi giày thể thao trắng xanh với giá 20 đồng.
Còn lại 80 đồng, tôi đem trả lại bác gái.
Hôm sau bố tôi đến.
Ông kéo tôi ra một bên, cau mày hỏi: "Con làm việc hơn một tháng rồi mà bà ấy không cho con đồng nào sao?"
"Bác gái đã mua quần áo, giày dép cho con, còn cho con nhiều đồ ngon nữa."
Mặt bố càng nhăn lại: "Những thứ đó thì có ích gì. Học phí còn thiếu 1000 tệ, bố không xoay được nữa, con đi vay bác gái đi."