Kiếm Động Trung Châu
Chương 3: Giữa u lâm cỗ kiệu thần bí gây sát kiếp thủ đoạn kinh nhân
Đêm ấy là một đêm trăng giá rét.
Trời chưa khuya mấy. Ánh trăng soi bàng bạc mơ màng trên dải đồng quê vắng lặng. Người nông phu suốt ngày làm lụng vất vả, đến chiều tối, sau khi ăn uống xong, ánh vàng vừa tắt là đã lo sửa soạn chăn màn đi ngủ sớm, để sáng ngày mai còn có thể thức sớm ra đồng làm việc.
Trên quãng đường đầy sỏi đá, dưới dải trăng sương lạnh lẽo, một bóng người lầm lũi đi mãi khác hẳn với bao nhiêu khách lữ hành cứ ngày đi đêm tìm quán trọ nghỉ ngơi. Người này là một thiếu niên tuổi mới chỉ độ mười sáu, tuy cũng anh tuấn, nhưng sắc mặt trầm buồn vương chút vẻ lo âu.
Chàng thiếu niên có lẽ đã thọ thương, một tay ôm lấy ngực, một tay nắm chặt thanh trường kiếm, dáng đi vội vã, chân bước rất nhanh. Thỉnh thoảng chàng lại ngoái nhìn về phía sau với vẻ lo lắng bất an. Dường như chàng đang bị kẻ nào đó truy đuổi, phải lo tìm lối đào sinh. Thân pháp của chàng cũng rất tinh thâm, lướt đi vùn vụt như mũi tên bay là là trên mặt đất không một tiếng động.
Một lúc sau, chàng thiếu niên đã đi vào một khu rừng già rậm rạp. Cây cối mọc um tùm, tàn cây cao vút che phủ kín mít, ánh trăng từ trên cao không sao xuyên qua kẽ lá xuống đến mặt đất được.
Trong rừng tối mịt như bưng, nhìn bàn tay không trông thấy ngón. Dõi mắt cố nhìn ra tứ phía cũng chỉ thấy toàn là những bóng cây mờ mờ rậm rạp. Ngoài tiếng côn trùng kêu rả rích, thỉnh thoảng một vài tiếng kêu của mấy con chim cú vang lên phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của rừng già.
Đi thêm một lúc nữa, bất chợt chàng thiếu niên đứng dừng lại, mắt chăm chú nhìn về phía trước, sắc mặt lộ vẻ kinh hãi.
Từ xa có bốn đốm sáng màu đỏ như bóng ma trơi đang lướt thật nhanh lại phía chàng. Chỉ trong chốc lát mà những đốm sáng kia đã đến gần trước mặt. Đến khi đó chàng mới khẽ thở phào nhẹ nhõm.
Hóa ra đó là những chiếc đèn lồng phất giấy đỏ, được bốn thiếu nữ vận Hoàng y cung trang cầm trên tay, đi trước mở đường. Phía sau là một cỗ kiệu lớn màu vàng được bốn Hoàng y đại hán khiêng, lướt nhanh tới như gió hốt. Đi hai bên cỗ kiệu là một Hoàng bào lão nhân và một Hoàng y lão bà. Cỗ kiệu trang hoàng rất lộng lẫy, tứ bề trướng ngọc rèm châu. Những bức màn xung quanh cỗ kiệu đều buông rũ nên không thể thấy rõ diện mục người ngồi bên trong.
Chàng thiếu niên thấy cỗ kiệu đi đến gần chỗ chàng đang đứng, liền vội tránh sang một bên nhường đường.
Bỗng từ bên trong cỗ kiệu chợt vang lên tiếng “Ủa”. Cỗ kiệu đang lướt nhanh vùn vụt đột nhiên dừng lại. Rồi tiếng nói trong kiệu lại vang lên :
- Dường như tiểu huynh đệ kia thọ thương khá nặng. Hồng Tổng quản hãy đến xem xét thương thế y xem thế nào.
Giọng nói trong trẻo nghe rất êm tai, rõ là tiếng nói của nữ nhân, nhưng cũng không kém phần uy nghiêm bệ vệ. Hoàng bào lão nhân vòng tay cất tiếng “vâng”, rồi tiến đến bên chàng thiếu niên.
Chàng thiếu niên ngần ngừ giây lát rồi đưa tay cho lão nhân xem mạch. Không hiểu sao những người này lại khiến cho chàng cảm thấy tin tưởng. Có lẽ giữa lúc nguy nan lại được người quan tâm lo lắng đã tạo cho chàng một cảm giác ấm áp thân thương, một tình cảm thân thiết khó kể bằng lời.
Lão nhân cầm tay bắt mạch, ngắm nghía sắc diện chàng, rồi bỗng lộ vẻ ngạc nhiên, kêu “úy” một tiếng, trợn tròn mắt nhìn chàng, khiến chàng cũng hết sức kinh ngạc, không hiểu thái độ kỳ lạ kia của lão nhân là có ý gì.
Giây lâu, lão quay về phía cỗ kiệu, vòng tay nói :
- Cung chủ. Tiểu tử này bị nhiều người vây đánh, thọ thương rất nặng. Thương tích của y do rất nhiều loại võ công khác nhau gây ra, rồi y lại cố gắng kiêm trình không nghỉ ngơi dưỡng thương khiến cho thương thế càng trầm trọng thêm, rất khó chữa trị. Hiện giờ tâm mạch của y đã hỗn loạn. Lão phu e là …
Lão nhân y thuật thật cao minh. Chỉ vừa mới xem qua kinh mạch mà lão đã có thể nói đúng tình trạng thương thế của chàng khiến cho chàng vô cùng kính phục. Tiếng người trong kiệu lại nói :
- Tổng quản hãy cố thử xem.
Hoàng bào lão nhân vòng tay nói :
- Vâng. Để lão phu cố gắng xem sao. Nhưng ở giữa chốn tối tăm thế này thì làm sao tiến hành chữa trị cho y được.
Tiếng người trong kiệu :
- Tiểu huynh đệ. Thương thế của tiểu huynh đệ hiện đã rất trầm trọng. Nếu như không chữa trị kịp thời thì có thể sẽ … khó qua khỏi. Hồng Tổng quản của bản cung y thuật rất cao minh. Nhưng ở giữa một nơi tối tăm như thế này thì không thể nào tiến hành chữa trị cho tiểu huynh đệ được. Tiểu huynh đệ có đồng ý đi theo bản cung đến trấn thành phía trước hay không ?
Chàng thiếu niên ngần ngừ giây lát, rồi chắp tay nói :
- Ân đức của các vị tại hạ xin ghi lòng tạc dạ. Nhưng tại hạ hiện có rất nhiều kẻ thù đang truy đuổi, e rằng …
Người trong kiệu cất tiếng cười vang, rồi nói :
- Tiểu huynh đệ nếu cứ cố đi tiếp thì cũng chẳng thể đi thêm được bao xa nữa là thương thế sẽ phát tác ngay. Lúc đó mà gặp kẻ thù thì nguy hiểm vô cùng. Tiểu huynh đệ nên đi với bản cung. Còn bọn đang truy đuổi tiểu huynh đệ thì cứ mặc kệ chúng. Chắc là bọn chúng không dám vô lễ với bản cung đâu.
Chàng thiếu niên ngẫm nghĩ một lúc rồi lại chắp tay kính cẩn nói :
- Vậy … tại hạ xin đa tạ cung chủ đã ban ân.
Người ngồi trong kiệu lại cất giọng cười trong trẻo, nói :
- Tiểu huynh đệ không nên quá khách sáo như vậy mà giữa chúng ta lại càng thêm xa lạ. Tiểu huynh đệ hiện đang thọ trọng thương, không nên vận động nhiều. Vậy hãy đến ngồi chung kiệu với bản cung đi.
Chàng thiếu niên khẽ giật mình, vội nói :
- Tại hạ không dám.
Người trong kiệu cười nói :
- Sao vậy ? Hay là tiểu huynh đệ chê bản cung không xứng ?
Chàng thiếu niên có vẻ lúng túng, ấp úng nói :
- Không … tại hạ … tại hạ … không có ý như vậy. Tại hạ …
Người trong kiệu lại cười nói :
- Nếu không có ý đó thì tiểu huynh đệ hãy mau lên kiệu đi nào.
Hoàng bào lão nhân cũng nói :
- Cung chủ đã cho phép thì tiểu tử ngươi hãy mau lên kiệu đi. Đây là một ân điển đặc biệt đấy. Hơn nữa, với thương thế của ngươi hiện tại thì không nên vận động nhiều. Nếu còn tiêu phí thêm sức lực là sẽ hết cách chữa trị đó.
Chàng thiếu niên không biết nói sao, đành bước tới gần cỗ kiệu. Hoàng y lão bà đưa tay vén rèm kiệu lên. Vừa nhìn thấy người ngồi bên trong, chàng đã ồ lên kinh ngạc, nhưng người ngồi trong kiệu đã đưa bàn tay ngọc ra kéo chàng vào trong, rồi lão bà lại buông rèm xuống.
Đoàn người tiếp tục lên đường.
Chừng hơn khắc sau, đoàn người đã ra khỏi khu rừng già rậm rạp tối tăm kia. Vầng trăng bàng bạc soi sáng mọi cảnh vật nơi chốn nhân gian. Hai bên đường là những thửa ruộng trũng sâu. Cái lạnh không làm đông được lớp bùn, chỉ rải rác đâu đó những mảnh băng trắng, trông loang lỗ và dơ bẩn.
Điều đáng nói là hiện có mấy chục người đang chặn ngang con đường quan đạo, không cho ai qua lại. Ánh trăng soi sáng cảnh vật xung quanh, chiếu vào đao kiếm loang loáng rợn người.
Cỗ kiệu vẫn bằn bặn lướt tới, không dừng lại, bất chấp toán người đang chắn ngang đường kia. Một trong bốn nàng Hoàng y thiếu nữ cầm đèn lồng đi trước mở đường lớn tiếng nói :
- Xin các vị mở đường cho.
Một lão già lối hơn năm chục tuổi, vận trường bào màu xanh, vai mang trường kiếm, tướng mạo hùng tráng, cao ngạo nói :
- Bọn lão phu đang chặn bắt một tên cường địch, phải tra xét tất cả những người qua lại con đường này. Các vị muốn đi qua thì hãy mau báo lai lịch và cho lão phu xem xét bên trong kiệu.
Đường đi phía trước đã bị ngăn chặn, không thể tiếp tục tiến tới được nữa. Cỗ kiệu đành phải dừng lại. Hoàng bào lão nhân đi bên trái cỗ kiệu có vẻ tức giận vì hành trình bị chậm trễ, cất giọng cười âm trầm :
- Hạng người như ngươi chưa xứng để hỏi danh tính của lão phu đâu. Nếu biết khôn thì hãy mau mở đường đi thôi.
Lão già kia nổi giận quát lớn :
- Các ngươi là hạng người gì mà dám nói với lão phu bằng cái giọng đó ? Các ngươi chưa từng nghe danh hiệu Trung Châu Nhất Kiếm hay sao ? Tốt nhất là ngươi nên rút lại lời nói vừa rồi, cung kính chịu lỗi. Lão phu sẽ niệm tình mà tha cho cái mạng sâu kiến của các ngươi.
Hoàng bào lão nhân cười ha hả nói :
- Ta còn tưởng là thần thánh phương nào ? Té ra ngươi chính là cái tên Thư Tuấn Thuần có cái ngoại hiệu gì nghe như là … à, là Trung Châu Xú Kiếm đó ư ? Hà hà. Đúng là tiểu nhân vô tri. Ngươi dựa vào đâu mà dám bắt lão phu chịu lỗi ?
Lão già tên là Thư Tuấn Thuần kia trước nay vốn là một kẻ kiêu ngạo tự phụ, vì võ công cũng khá cao cường nên được đồng đạo giang hồ kính nể. Nay lại nghe Hoàng bào lão nhân nói như vậy, tức thì nổi giận đùng đùng, rút xoạt trường kiếm ra cầm trên tay, trầm giọng quát lớn :
- Dựa vào thanh kiếm này chứ còn dựa vào đâu nữa ? Hừ ! Ngươi có giỏi thì hãy cùng lão phu quyết một trận thư hùng.
Hoàng bào lão nhân càng thêm cười lớn, nói :
- Hà hà. Ngươi dám khiêu khích lão phu. Quả là ngươi đã chán sống rồi.
Thư Tuấn Thuần nghe đối phương nói thế thì lại càng thêm giận dữ. Nộ khí xung thiên, đột nhiên lão ta quát lớn một tiếng, múa kiếm định xông tới tấn công Hoàng bào lão nhân. Nhưng từ đám đông phía sau đã có năm người chạy ra ngăn lão lại. Bốn người trong số đó thì người nào cũng đều khí khái hiên ngang, nhưng người thứ năm lại là một đồng tử lối mười bốn mười lăm tuổi, trông rất xinh đẹp khả ái.
Một tên trong bọn cúi mình chắp tay nói :
- Phụ thân. Giết gà chẳng cần dùng đến dao mổ trâu. Xin phụ thân hãy để cho con dạy bọn chúng một bài học.
Năm người vừa mới tiến ra đó gồm có con và cả đệ tử của lão. Lão nghe con trai nói thế thì thích chí vô cùng, lớn tiếng ha hả cười dài, rồi đưa tay vuốt bộ râu thưa thớt chỉ có mấy sợi, nói :
- Phải. Phải. Con hãy cho bọn chúng nếm mùi kiếm pháp của Thư gia chúng ta để bọn chúng biết thế nào là lợi hại.
Tên kia cung kính vâng dạ, rút xoạt kiếm ra, chầm chậm bước tới chỗ Hoàng bào lão nhân với sắc diện âm trầm. Nhưng giữa hai người họ còn có bốn Hoàng y thiếu nữ cầm đèn lồng đang đứng cản đường.
Thấy vậy, gã liền vung thanh kiếm lên khua một vòng, trợn mắt nhìn bốn nàng, lạnh lùng nói :
- Các cô hãy mau tránh sang một bên.
Một cô trong bọn Hoàng y thiếu nữ khẽ cười nhạt nói :
- Ngươi dựa vào đâu mà dám bảo bọn ta tránh đường ?
Gã kia tức giận quát :
- Vậy là các cô muốn chết.
Đột nhiên, đồng tử xinh đẹp đang đứng bên cạnh Thư Tuấn Thuần bỗng lên tiếng khuyên ngăn :
- Đại ca. Sao đại ca lại định ức hiếp mấy vị tỷ tỷ đó ? Họ có làm gì đại ca đâu. Đại ca đừng làm khó dễ họ mà.
Gã kia quay lại nói :
- Đệ thì biết cái gì mà lại muốn xen vào. Bọn họ mà không chịu tránh đường thì ta đây không khách sáo đâu.
Đồng tử kia thấy đại ca hung hăng như vậy, nhắm không thể khuyên giải được, liền quay sang Thư Tuấn Thuần nói :
- Phụ thân. Hài nhi thấy bọn họ đều là những người tử tế. Phụ thân hãy cho bọn họ đi qua đi mà.
Thư Tuấn Thuần lắc đầu nói :
- Không được. Bọn người này luôn làm ra vẻ thần bí, xem lại thì có chỗ rất khả nghi. Biết đâu bọn họ giấu tiểu tử kia bên trong cỗ kiệu. Phải để cho chúng ta lục soát mới xong được.
Đồng tử thấy đại ca sắp sửa động thủ, nghĩ đến thảm cảnh bọn Hoàng y thiếu nữ bị giết chết, vội nắm tay Thư Tuấn Thuần nài nỉ :
- Phụ thân.
Từ trong kiệu bỗng vang lên giọng cười trong trẻo, rồi có tiếng nói :
- Tiểu oa nhi. Ngươi tốt lắm. Bản cung đối với ngươi tự nhiên rất có hứng thú. Ngươi mau lại đây để bản cung xem thử tư chất thế nào. Nếu bản cung ưng ý thì sẽ nhận ngươi làm môn hạ.
Thư Tuấn Thuần mặt khẽ biến sắc, nắm chặt tay đồng tử, lớn tiếng quát :
- Không cần nói nhiều nữa. Tất cả hãy cùng lên thu thập bọn chúng.
Bốn người cả con lẫn đệ tử của lão nghe lệnh vội rút kiếm xông tới định động thủ. Bọn đứng phía sau cũng đưa tay nắm chặt vũ khí.
Trong kiệu liền có tiếng quát :
- Thật quá lắm rồi. Bọn các ngươi thật là đáng chết. Không thể nào tha mạng cho các ngươi được.
Liền ngay sau đó có năm luồng ánh sáng màu vàng rực rỡ từ bên trong cỗ kiệu bay vút ra, nhắm thẳng vào bốn tên kia và lão Thư Tuấn Thuần lao tới. Chỉ trong chớp mắt, cả năm người bọn họ đồng “hự” lên một tiếng, rồi lần lượt ngã lăn ra vệ đường nằm yên không chút động đậy.
Bọn người đang đứng phía sau bật la hoảng, lũ lượt chạy tới xem xét thì mới hay cả năm người bọn Thư Tuấn Thuần đều đã chết cả rồi. Ai nấy còn đang bàng hoàng, chưa kịp định thần lại thì một sợi dây lụa từ trong cỗ kiệu lao vút ra, cuốn lấy đồng tử, kéo về bên cạnh cỗ kiệu.
Sự việc xảy ra quá nhanh, lại quá đột ngột, bọn người hiện diện tại trường đều không khỏi ngẩn người ngơ ngác. Lão Thư Tuấn Thuần là người cầm đầu cả bọn, võ công cao cường đến thế mà đã bị đối phương giết chết một cách quá dễ dàng. Cả bọn thảy đều kinh hoàng khiếp đảm, chỉ còn biết đứng lặng nhìn đối phương mà không một ai dám xông tới động thủ nữa.
Người trong cỗ kiệu lại lên tiếng :
- Tiểu oa nhi. Ngươi tên là gì ?
Đồng tử ngần ngừ giây lát rồi đáp khẽ :
- Thư Thế Dương.
Người trong kiệu cười nói :
- Bản cung đối với ngươi rất lấy làm hứng thú. Ngươi chịu làm môn hạ bản cung thì bản cung sẽ tha mạng cho.
Đồng tử chẳng cần suy nghĩ, ưỡn ngực nói :
- Ngươi đã giết chết phụ thân, đại ca và các vị sư huynh của ta, tức là kẻ thù của ta. Ta đây quyết chẳng bao giờ vào làm môn hạ kẻ thù. Ngươi cứ ra tay giết chết ta luôn đi. Không cần nói nhiều vô ích. Ta không sợ đâu.
Người trong kiệu cười nói :
- Khá lắm. Tiểu oa nhi ngươi quả là có khí khái nam nhi. Bản cung rất thích ngươi, cũng không muốn giết ngươi làm gì. Vậy ngươi hãy quỳ xuống lạy bản cung ba lạy, bản cung sẽ tha mạng cho.
Đồng tử lớn tiếng nói :
- Đại trượng phu thà chết chứ không chịu nhục. Ngươi muốn giết ta thì cứ ra tay. Ta tuyệt đối không thèm cầu xin ngươi.
Người trong kiệu cất giọng cười khanh khách, nói :
- Tiểu oa nhi ngươi chỉ bé tí xíu thế này mà là đại trượng phu cái nỗi gì. Chờ thêm mấy năm nữa rồi hãy nói thế. Mà thôi. Ngươi đã không muốn cầu xin thì tạm thời hãy cứ đi theo bản cung. Chừng nào ngươi nghĩ lại, chịu quỳ lạy bản cung thì bản cung sẽ tha cho. Cứ thế đi nhé.
Đồng tử bặm môi nói :
- Ngươi khỏi chờ đợi vô ích. Ta thà chết chứ không bao giờ lạy ngươi đâu.
Người trong kiệu lại cười nói :
- Thôi. Chúng ta không nói đến chuyện đó nữa, sau này sẽ liệu. Còn bây giờ, theo tiểu oa nhi thì bản cung nên xử trí bọn kia thế nào đây.
Bọn người kia vừa nghe qua những lời nói đó đều giật nẩy mình, chăm chú nhìn đồng tử, chờ câu trả lời của cậu bé. Ai cũng mong cậu bé lên tiếng cầu xin giúp cho. Cậu bé ngẩn người ấp úng nói :
- Ngươi … Tôn giá có thể … có thể …
Người trong kiệu cười hỏi :
- Có thể thế nào ?
Thư Thế Dương ngập ngừng nói :
- Xin … xin tôn giá hãy buông tha cho bọn họ, được không ?
Người trong kiệu cười nói :
- Được rồi. Nể lời tiểu oa nhi, bản cung sẽ tha cho bọn chúng phen này. Nhưng nếu như bọn chúng mà còn dám vô lễ với bản cung lần nữa thì bản cung quyết sẽ không dung tha cho đâu đấy.
Thư Thế Dương lại ngập ngừng nói :
- Đa tạ tôn giá. Nhưng … nhưng …
Người trong kiệu hỏi :
- Còn gì nữa thế ?
Thư Thế Dương lúng túng nói :
- Ta … ta còn muốn biết … lai lịch của tôn giá.
Người trong kiệu cười hỏi :
- Thế ư ? Sao tiểu oa nhi lại muốn biết lai lịch của bản cung ?
Thư Thế Dương ngần ngừ giây lát, rồi bặm môi đáp :
- Ta muốn biết để sau này nếu có cơ hội thì còn có thể trả thù.
Người trong kiệu cười nói :
- Nói hay lắm. Bản cung cũng chẳng tiếc chi mà không cho ngươi biết. Bản cung là cung chủ Nghi cung. Chẳng biết tiểu oa nhi ngươi đã từng được nghe qua danh hiệu bản cung hay chưa ?
Cả bọn quần hào hiện diện tại trường đều rúng động tâm thần khi nghe nhắc đến mấy chữ “Nghi cung cung chủ”, bất giác giật lùi mấy bước. Trong bọn có mấy tên hoảng quá, đã quay mình bỏ chạy chẳng kể gì đến thanh danh sĩ diện. Bởi đối với bọn họ, tính mệnh là quý hơn cả. Chỉ có Thư Thế Dương là không lộ vẻ gì, chỉ cố lẩm nhẩm cho thuộc lòng tên hiệu của kẻ thù.
Lúc đó, người trong kiệu, tức Nghi cung cung chủ, trầm giọng quát :
- Khởi kiệu.
Lập tức, cỗ kiệu được bốn Hoàng y tráng hán nhấc bổng lên, tiếp tục cuộc hành trình. Bốn Hoàng y thiếu nữ cầm đèn lồng đi trước mở đường. Đồng tử Thư Thế Dương được Hoàng bào lão nhân nắm tay dắt đi bên cạnh cỗ kiệu. Cậu bé gặp phải hoàn cảnh thương tâm này, nhưng vẫn cố giữ vẻ hiên ngang khẳng khái, ưỡn ngực mà đi, mắt không rơi lệ, quyết chẳng để cho đối phương xem thường.
Bọn quần hào đang chặn đường vội vã tránh sang bên để nhường lối cho cỗ kiệu đi qua. Và rồi cỗ kiệu lướt đi nhanh như gió thoảng, chẳng mấy chốc là đã mất dạng. Để lại cục trường năm xác chết nằm trơ ra đó, cùng một bọn người đang ngơ ngẩn xuất thần.