Kiếm Động Trung Châu
Chương 39: Hiển lộ thần công phục song ma hoa nhi phụng chỉ đón thiếu quân
Lại nói, Quan lão cứ ôm bụng cười hoài khiến Âm Sơn lão tổ bất giác nổi giận xung thiên, ánh mắt tóe lửa, nhưng chẳng làm gì được. Bách Lý Hạc thấy tình cảnh đó cũng không nhịn được cười, nói :
- Quan lão ca tức cười là vì lão không biết tự lượng sức đó thôi. Đến Bạch Cốt Hung Thần còn không chịu nổi chúa công một chưởng, nữa là lão.
Bọn ma đầu cả kinh thất sắc, nhìn trừng trừng Giang Hoài Ngọc. Âm Sơn lão ma lẩm bẩm :
- Lão phu không tin tiểu tử này có thể đả bại được Bạch Cốt lão ma.
Giang Hoài Ngọc mỉm cười hiền hòa :
- Chúng ta đấu một trận cũng được. Nếu sau một khắc mà cô gia chưa chém rách được một mảnh y phục của túc hạ thì cứ xem như cô gia đã thua.
Âm Sơn lão ma dù tức giận vì thấy chàng xem thường lão đến như thế, nhưng cũng thầm mừng trong dạ. Lão chỉ cần chiến thắng chứ không quan tâm đến tiểu tiết. Thế là lão liền gật đầu nói :
- Ngươi đã nói vậy thì mọi người ở đây hãy làm chứng cho lão phu.
Vừa nói lão vừa tiến ra giữa cục trường. Thấy Giang Hoài Ngọc vẫn đứng yên tại chỗ, trong tay không có vũ khí, lão liền hỏi :
- Vũ khí của ngươi đâu.
Lão nghĩ chàng sẽ đấu bằng vũ khí bởi chỉ có như vậy thì chàng mới có thể chém rách được y phục của lão. Giang Hoài Ngọc nhìn quanh một lượt, rồi bẻ một đoạn cành cây còn nguyên cả lá. Âm Sơn lão ma ngạc nhiên hỏi :
- Vũ khí của ngươi đấy ư.
Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :
- Túc hạ hãy cẩn thận. Cô gia sắp xuất thủ đây.
Âm Sơn lão ma hất hàm nói :
- Ngươi mau xuất thủ đi.
Vẫn đứng nguyên chỗ cũ, cách xa lão ma đến bốn năm trượng, Giang Hoài Ngọc khẽ rung nhẹ bàn tay. Một chiếc lá non rời khỏi tay chàng bắn tới chỗ Âm Sơn lão ma, tốc độ cực nhanh.
Không ngờ chàng lại dụng phép phóng ám khí, nhưng lão ma cũng chẳng sợ, nhẹ nhàng phiêu thân tránh thoát, còn cười ha hả nói :
- Chỉ có thế thôi ư.
Tuy nói thế nhưng lão cũng thầm khâm phục Giang Hoài Ngọc có thể dụng lá cây làm ám khí. Thủ pháp này tuy lão có thể miễn cưỡng làm được, nhưng với khoảng cách và tốc độ thế kia thì cũng đành chịu thua.
Giang Hoài Ngọc lại nói :
- Hãy cẩn thận đấy.
Bàn tay chàng lại rung nhẹ. Ba chiếc lá lại bắn ra, hướng tới Âm Sơn lão ma, tốc độ còn nhanh hơn trước.
Lần này, lão ma không phiêu thân né tránh mà dựng song chưởng tung ra. Chưởng kình tạo thành một trận cuồng phong cuốn mấy chiếc lá đi mất. Chẳng một chiếc lá nào có thể đụng được đến chéo áo lão.
Giang Hoài Ngọc lại rung tay. Năm, bảy, rồi chín chiếc lá bắn ra, trông như một đàn bướm bay tới chỗ Âm Sơn lão tổ. Lão ma cũng vung chưởng tạo thành một màn lưới che chắn phía trước, đánh bạt đi tất cả.
Những chiếc lá từ nơi tay Giang Hoài Ngọc cứ liên tục bắn ra không ngớt. Âm Sơn lão tổ cũng cứ liên tục phóng chưởng ngăn đỡ. Tuy cách chống trả này có hao tổn khá nhiều nội lực, nhưng lão ma tự tin mình có thể cầm cự được hơn một khắc, và sẽ đương nhiên thắng cuộc.
Song phương cầm cự như thế một lúc.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Âm Sơn lão tổ đã mừng thầm trong dạ.
Đột nhiên, một trong những chiếc lá từ tay Giang Hoài Ngọc bắn ra lại không hướng vào lão ma mà lại chếch sang mé tả một chút, bắn thẳng ra phía sau. Phía sau lão ma lại là đám đồ tử đồ tôn của lão. Bọn họ thấy ám khí bắn tới với tốc độ kinh hồn, kinh hãi thét lên, tới tấp nhảy tránh.
Nhưng không, chiếc lá đang bay được nửa chừng bỗng nhiên quay ngoắt lại, nhằm lưng lão ma bắn tới.
Lão ma nghe tiếng thét của đám môn hạ, không hiểu là chuyện gì, nhưng trước số ám khí đang bắn đến trước mặt, lão không dám phân tâm, tiếp tục cử chưởng ngăn đỡ. Và vì mải lo ngăn đỡ phía trước, đương nhiên lão ma không kịp nhận ra tình hình phía sau, và chiếc lá kia đã cắt phăng một mảnh vải trên tay áo lão.
Giang Hoài Ngọc đình thủ.
Thời gian chưa đến nửa khắc. Chàng đã thắng.
Lão ma thất sắc, đứng bần thần ngơ ngẩn. Lão không ngờ mình lại thua nhanh đến như vậy. Thủ pháp dùng lá cây làm ám khí đã khó, nhưng vẫn còn có người có thể làm được. Nhưng còn cách thức phóng ám khí ra phía sau, rồi điều khiển cho bắn ngược lại như vừa rồi thì lão ma chưa từng nghe ai nói tới.
Không riêng gì Âm Sơn lão tổ, ngay cả Lạc Phách Ma Quân cũng nghĩ vậy nên sắc diện lão ma cũng ra chiều kinh hãi.
Giang Hoài Ngọc cũng không nói gì. Chàng nhìn Âm Sơn lão tổ, khe khẽ mỉm cười hiền hòa.
Toàn trường im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng lá reo vi vu.
Hồi lâu sau, Âm Sơn lão tổ định thần lại, khẽ thở ra một tiếng, nhìn Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Lão phu đã thua rồi. Công tử muốn lão phu phải làm gì.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Cô gia chỉ muốn khanh thuận theo phò tá cô gia mà thôi. Cửu Trùng Giáo, Thiên Âm Giáo, Thiên Tinh Bang, … đều đã quy thuận. Nếu khanh chấp nhận thì Âm Sơn phái sẽ được xếp ngang hàng với bọn họ.
Âm Sơn phái tuy cũng là một môn phái lớn, có chút uy thế trong võ lâm, nhưng so với thực lực hùng hậu của Cửu Trùng Giáo thì vẫn chưa đáng vào đâu. Trước, Âm Sơn lão tổ còn sợ Giang Hoài Ngọc sẽ ra điều kiện khó khăn gì đó, nhưng nghe chàng nói vậy, lão thấy mình cũng chẳng thua thiệt gì nên rất bằng lòng. Tuy vậy, ngoài mặt lão vẫn làm ra vẻ đại phương, nói :
- Lão phu đã thua cuộc nên đành phải tuân lời công tử thôi.
Đoạn lão cúi mình nói :
- Lão phu xin bái kiến chúa công.
Lão cũng theo Quan lão mà gọi chàng là chúa công. Chàng khẽ gật đầu, nói :
- Khanh hãy bình thân.
Đoạn chàng lại quay sang nhìn Lạc Phách Ma Quân. Sau khi tận mắt chứng kiến thần công tuyệt thế của chàng, Ma Quân không còn dám tự tin vào trận pháp trấn môn của mình nữa, liền hỏi :
- Giả như lão phu thua cuộc thì cũng phải theo phò tá công tử phải không.
Giang Hoài Ngọc gật đầu, nói :
- Túc hạ thấy sao.
Lac Phách Ma Quân ngần ngừ hỏi :
- Thế còn lão phu thắng thì sao.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Nếu như cô gia không phá trận được thì tức là sẽ bị hãm trong trận. Khi đó túc hạ muốn sao mà chẳng được.
Lạc Phách Ma Quân nói :
- Vậy lão phu xin mời công tử phá trận.
Vừa nói, lão ma vừa bấm khẩu quyết, miệng lẩm nhẩm như đang đọc thần chú. Ánh mắt sắc lạnh của lão lại càng thêm giá lạnh như băng. Trong ánh mắt lấp loáng những tia nhìn kỳ dị.
Giang Hoài Ngọc chậm rãi tiến ra giữa cục trường. Chàng đứng yên, lặng lẽ nhìn lão ma đọc thần chú.
Bỗng nhiên lão ma chợt vung tay. Bốn lá cờ xanh, đỏ, trắng đen thoát tới chiếm ngự bốn hướng đông, tây, nam, bắc vây quanh Giang Hoài Ngọc. Bốn đồ đệ của lão, mỗi người nắm chắc một lá cờ trong tay. Hai bên người bảo thủ pháp kỳ còn có hai người cầm đao kiếm hộ vệ. Tổng cộng trận pháp này có mười hai người thủ trận, mỗi hướng ba người đều vận y phục đồng màu với lá cờ ở hướng đó.
Thấy bốn lá pháp kỳ án ngữ đúng bốn hướng, Giang Hoài Ngọc hơi có nét khẩn trương. Nhưng chàng không có hành động gì, bảo nguyên thủ nhất, trấn định thần trí, đứng yên bất động, lặng lẽ chờ trận thế phát động.
Lạc Phách Ma Quân thét lớn một tiếng. Trận thế lập tức phát động, gia tăng áp lực vào trung tâm trận, nơi Giang Hoài Ngọc đang đứng. Một trận cuồng phong xuất hiện, cuốn từ ngọn pháp kỳ này sang ngọn pháp kỳ khác. Trong đạo cuồng phong thỉnh thoảng lại xuất hiện những tia sét ngoằn ngoèo.
Khi trận cuồng phong cuốn được mười vòng, áp lực đã gia tăng lên gấp đôi. Giữa trận cuồng phong, chỉ thấy những bóng ma xanh, đỏ, trắng, đen phấp phới bay qua lượn lại, cùng với tiếng rú lạnh người.
Tiếng ma kêu quỷ rú không hề làm Giang Hoài Ngọc kinh sợ. Nhưng chàng có cảm giác như đang lọt vào trung tâm của một cơn lốc dữ, xoáy tròn quanh thân chàng, mà nhãn quang chẳng còn định được phương hướng lẫn cảnh vật. Nếu là người định lực kém chắc đã phải tiêu hồn lạc phách.
Trận pháp này quả đúng với tên gọi : Lạc Hồn Trận.
Để đối phó với những âm thanh rát buốt liên tục dội đập vào thính nhĩ, cùng với những trận lốc xoáy hùng hậu như muốn cuốn phăng chàng đi, chàng vẫn bảo thủ nguyên khí, đôi mắt nhắm hờ, vận phép Thiên Cân Trụy giữ thân hình đứng yên một chỗ, mặc kệ cuồng phong bão táp.
Song phương cứ thế cầm cự với nhau.
Trận pháp chuyển động được hồi lâu thì áp lực có vẻ yếu dần đi. Có lẽ sau một lúc luân chuyển, chân lực của bọn người thủ trận đã dần dần suy kiệt khiến cho uy lực của trận pháp suy giảm.
Ở bên ngoài, thấy chàng vẫn chẳng hề hấn gì, Lạc Phách Ma Quân liên tục gào thét lên những âm thanh quái lạ, đích thân lão giữ một phương vị, gia tăng áp lực vào trung tâm trận. Ngoài ra, bọn đệ tử cầm đao kiếm cũng được lệnh vung khí giới tấn công. Trận pháp lúc này không thể gọi là Lạc Hồn Trận nữa mà phải gọi là Đoạt Hồn Trận. Bọn Quan lão thầm lo lắng.
Nhưng thật bất ngờ …
Đang đứng yên tại giữa trận, nhưng khi bọn kia vừa vung đao múa kiếm tấn công, thân hình Giang Hoài Ngọc bỗng luân chuyển. Thân người chàng xoay tít tại chỗ, ngón tay liên tục điểm tới vị trí những ngọn pháp kỳ. Sau đó, thân người chàng bay bổng lên không, lướt nhanh ra ngoài trận.
Cùng lúc đó, trận thế cũng đã tan rã.
Nguyên Lạc Hồn Trận thật sự chỉ có bốn người thủ trận là bốn người giữ các ngọn pháp kỳ. Tám người còn lại có nhiệm vụ bảo vệ cho bốn người thủ trận khỏi sự tấn công của đối phương.
Nhưng khi Lạc Phách Ma Quân thấy trận pháp không làm gì được Giang Hoài Ngọc, liền ra lệnh cho tám người hộ vệ vung vũ khí tấn công, thì chàng đã nhân cơ hội những người thủ trận không được bảo vệ, lập tức dùng cách không chỉ pháp điểm huyệt bọn họ, sau đó thoát ra ngoài. Trong bốn người thủ trận, chỉ duy có Lạc Phách Ma Quân là vẫn còn đứng vững. Nhưng như thế cũng đã đủ khiến cho trận pháp tan vỡ, và chàng thoát ra ngoài một cách rất dễ dàng.
Lạc Phách Ma Quân sau giây phút ngẩn ngơ, biết mình đã thất bại, nhưng cũng rất tâm phục khẩu phục thần công của Giang Hoài Ngọc, liền đến trước chàng, cúi người hành lễ, nói :
- Lão phu xin bái kiến chúa công.
Giang Hoài Ngọc gật đầu :
- Khanh hãy bình thân.
Đoạn chàng vung tay cách không điểm mấy cái, ba tên đệ tử của lão ma liền được giải huyệt, ngơ ngác ngồi dậy. Lão ma thấy bọn đệ tử không bị gì, có vẻ yên tâm, liền quay sang Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Chúa công có gì căn dặn bọn lão phu hay không.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Không có gì. Mọi việc các khanh cứ tùy nghi hành sự, khi nào cần cô gia sẽ truyền dụ xuống.
Lạc Phách Ma Quân vâng dạ, nói :
- Nếu không có việc gì nữa, xin chúa công cho phép bọn lão phu cáo lui.
Chàng gật đầu và lão ma kéo đệ tử đi ngay. Và Âm Sơn lão tổ cũng cùng đám môn hạ cáo lui.
Giang Hoài Ngọc trầm ngâm giây lát, sau đó cùng bọn Quan lão và đám thị vệ trở về nơi đóng trại. Nghỉ ngơi đến khi trời vãn nắng thì tiếp tục lên đường.
Dòng Trường Giang hùng vĩ đang cuồn cuộn chảy …
Bên kia sông chính là thành Kim Lăng, hiện đang là đế đô của Minh triều.
Đến bờ Trường Giang, Giang Hoài Ngọc truyền cho dừng lại nghỉ ngơi. Các đội thị vệ lo tìm nơi dựng doanh lập trướng. Đồng thời Quan lão phái một đội thị vệ đi lấy thuyền, chính là đội thuyền ngự chín chiếc mà Giang Hoài Ngọc đã dùng lúc trước ở thành Kim Lăng, hiện giờ vẫn đang neo đậu ở gần đấy.
Trong khi chờ đợi, Giang Hoài Ngọc thơ thẩn đi dạo dọc bờ sông. Chàng muốn được yên tĩnh để suy nghĩ về những chuyện đã qua nên không cho mọi người đi theo, chỉ đi dạo một mình. Tuy nhiên, vì có trách nhiệm phải bảo vệ chàng nên các đội thị vệ vẫn ngấm ngầm bố trí xung quanh, phòng ngừa những bất trắc có thể xảy đến. Tóm lại, chàng vẫn được bảo vệ rất cẩn mật.
Dòng Trường Giang muôn đời vẫn tuôn tràn sóng nước.
Giang Hoài Ngọc đứng lặng người trước dòng Trường Giang hùng vĩ. Những chuyện ngày trước cứ liên tục tái hiện trong tâm trí chàng. Chỉ mới hơn một năm thôi mà tưởng như bằng cả một đời người.
Trong một năm qua, đã có biết bao nhiêu việc xảy đến với chàng. Những mối nguy hiểm, những sự đau thương, những chuyện trọng đại, những việc lớn lao tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của một thiếu niên mới mười sáu tuổi. “Ôi. Lòng người sao mà …”. Chàng khẽ thở dài. Những sự việc đau thương bất hạnh cứ liên tục xảy đến trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã khiến chàng như biến thành một con người khác. Và thật sự giờ đây chàng đã là một con người khác.
Ngày xưa, chàng luôn tươi vui, yêu thiên nhiên, yêu sự sống. Cuộc sống thanh thản trôi qua, chàng không phải bận tâm lo nghĩ điều gì.
Còn giờ đây …
Giờ đây thì trên khuôn mặt thanh tú của Giang Hoài Ngọc lúc nào cũng ẩn hiện một nét trầm buồn. Hơn một năm nay, kể từ ngày ấy, chàng rất ít khi vui cười, dù chỉ là trong thoáng chốc.
Lúc này, trời mới rạng ánh bình minh.
Gió vẫn thổi. Mây vẫn bay. Lá rụng hoa trôi. Dòng nước Trường Giang vẫn cuồn cuộn chảy, tung bọt trắng xóa.
Giang Hoài Ngọc đứng một mình lặng lẽ bên bờ sông vắng. Chàng chợt cảm thấy cô độc. Ánh mắt xuất thần, chàng dõi mắt nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Bỗng đâu, bên tai chàng nghe văng vẳng đâu đây tiếng ai hát ngân nga, thanh âm trong trẻo dặt dìu theo cơn gió sớm.
Tiếng hát lúc đầu nhỏ nhẹ, như có như không, dù chú tâm lắng nghe cũng chỉ có thể phân biệt được làn điệu chứ không nghe được lời ca.
Nhưng rồi thanh âm càng lúc càng đến gần, và chàng đã có thể nghe được giọng ca trong trẻo của một thiếu nữ, giọng ca êm ái dịu dàng, đậm đà tình tứ, ngân nga trong sương sớm :
“… Lênh đênh trên mặt sông hồ,
Tứ bề sương sớm, lưng bầu rượu hoa.
Bút nghiên để sẵn bao giờ,
Đề câu tuyệt diệu còn chờ danh gia.
Hãy xem :
Thanh phong minh nguyệt,
Cảnh giang hồ bao xiết vẻ phong quang.
Mặc ai kia lợi tẩu danh trường
Kìa vân cẩu muôn đời còn mãi đó.
Trăng chênh chếch đầu non vừa mới ló,
Gió hiu hiu mặt nước lặng như tờ.
Một chiếc thuyền với một túi thơ,
Ung dung lướt giữa làn bạch vụ.
Lấy sơn thủy hữu tình làm khế hữu,
Buông chèo hoa vui thú chốn sơn cương.
Hát rằng :
Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang.
Diểu diểu hề dư hoài,
Vọng quân hề thiên nhất phương.
Người ý a réo rắt cung thương,
Tiếng tiêu lẫn tiếng ca vang mặt nước.
Chợt nhớ kẻ tri âm thuở trước,
Nghĩ sự đời thêm cảm nỗi phù du.
Viết rằng :
Thi thành nhất bức thiên sơn địch,
Cô hạc hoành giang lược tiểu chu.
Khi bình thơ, đề tự đôi câu,
Khi đối tửu, cận kề thục nữ.
Người quân tử há lụy phiền thế sự,
Chuyện lợi danh xem nhẹ tựa gió mây.
Cảnh thần tiên chẳng phải chốn này.”
Giang Hoài Ngọc ngẩn người lắng nghe tiếng hát. Không bao lâu sau, phía xa xa, từ trong làn sương mù trắng bỗng hiện ra một chiếc thuyền con đang chèo thẳng tới nơi chàng đang đứng. Chiếc thuyền nhỏ này chèo rất nhanh, chỉ trong chốc lát là đã đến gần sát bên.
Trên thuyền có ba Hoàng y thiếu nữ đều rất xinh đẹp. Hai nàng lo việc chèo thuyền. Còn nàng thiếu nữ đứng phía đầu thuyền chính là người vừa cất lên giọng hát trong trẻo kia. Nàng rất mực xinh đẹp, phong lưu mỹ mạo, diễm lệ xinh tươi, trên tay nàng đang cầm một giỏ hoa, miệng điểm một nụ cười quyến rũ.
Thuyền đến sát bờ, thiếu nữ đứng nơi đầu thuyền hướng về Giang Hoài Ngọc, hỏi bằng giọng oanh thánh thót :
- Thiếu quân phải chăng là Giang gia nhị công tử.
Giang Hoài Ngọc gật đầu đáp :
- Vâng. Tiểu sinh chính là Giang Hoài Ngọc. Chẳng hay cô nương đây là …
Thiếu nữ cười tươi như hoa, đáp :
- Tiểu nữ là Hoa nhi, một trong Tứ đại thị nữ phụng hầu bên điện hạ.
Giang Hoài Ngọc giật mình, vội chắp tay thi lễ, nói :
- Thì ra là Hoa cô nương. Tiểu sinh thất kính mất rồi. Chẳng hay cô nương đến đây có việc chi thế.
Hoa nhi nói :
- Tiểu nữ phụng thánh ý đến đón thiếu quân.
Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Điện hạ triệu kiến tiểu sinh chăng.
Hoa nhi tươi cười nói :
- Vâng. Xin thiếu quân đi cùng tiểu nữ, đừng để điện hạ phải chờ lâu.
Giang Hoài Ngọc vội vàng nhảy ngay xuống thuyền. Đôi chèo khua nước, thuyền tách bến, rẽ sóng, lướt thẳng vào giữa làn sương trắng.