Nhìn Bà Đây Debut Center
Chương 3
8
Vào buổi chiều, tổ chương trình sắp xếp cho chúng tôi đến một trường tiểu học trong thôn dạy học.
Khi đến nơi, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.
Ngôi trường này thực sự quá nghèo.
Trường học được cải tạo từ nhà cũ của trưởng thôn, chỉ có một lớp học với chín học sinh. Sân thể dục chỉ là một bãi đất lầy lội bên ngoài. Thiết bị tập luyện duy nhất mà chín học sinh có thể sử dụng là một quả bóng cao su bị xẹp.
Tôi nhìn về phía đạo diễn, nói: “Tìm được một cái thôn nghèo như vậy cũng không dễ dàng gì cho anh nhỉ.”
Đạo diễn: “… ”
Trước khi bắt đầu quay, đạo diễn yêu cầu mỗi người chúng tôi chọn một môn.
Các vị khách mời, trừ diễn viên thì là thần tượng, ba người bọn Thôi Thiến Thiến chọn môn mà mình quen thuộc.
Lương Trác phụ trách kịch nói, Cảnh Siêu phụ trách mảng âm nhạc.
Thôi Thiến Thiến tất nhiên sẽ chọn mảng nhiếp ảnh.
Nhìn Lương Trác đĩnh đạc hướng dẫn học sinh diễn kịch, nhìn Cảnh Siêu giả vờ dạy học sinh cách đánh đàn dương cầm, nhìn Thôi Thiến Thiến trực tiếp dùng máy ảnh SLR để dạy bọn trẻ về tỷ lệ vàng và tia UV, lũ trẻ thì ngơ mặt ra.
An Hoa: “Vô nghĩa.”
Tôi: “Có bệnh.”
Bình luận tràn ngập màn hình, ca ngợi Thôi Thiến Thiến, Lương Trác và Cảnh Siêu đều rất kiên nhẫn, gieo mầm mơ ước vào lòng những đứa trẻ.
Khi Thôi Thiến Thiến kết thúc khóa học nhiếp ảnh, tôi nhếch mép cười.
“Các người thực sự nghĩ rằng những tiết học như vậy sẽ hữu ích cho bọn trẻ sao?
[Giá trị phẫn nộ của Thôi Thiến Thiến: +18]
Thôi Thiến Thiến rõ ràng tức không chịu được, mà vẫn phải mỉm cười giữ hình tượng:
“Học nhiếp ảnh sao lại vô dụng? Trong mắt tụi nhỏ rõ ràng đều có khát vọng mà.”
“Khát vọng?”
Tôi quay sang hỏi học sinh: “Các em nhỏ, hãy nói cho chị biết ước mơ của các em là gì?”
“Nuôi thật nhiều bò, mỗi ngày dắt bò lên núi.”
“Làm thợ mộc giống như bố của mình.”
“Trồng trọt, em muốn nhà mình có thật nhiều đất.”
“Em muốn mở một quán bán đậu hũ lớn hơn nhà mình.”
…
“Nhìn đi, những thứ mấy người giảng dạy hoàn toàn vô dụng đối với bọn trẻ. Giống như có hoa không có quả vậy.” Tôi nói.
Khi mà miếng cơm manh áo còn chưa đủ, ai quan tâm đến những thứ khác chứ?
“Tôi cũng xuất thân từ nông thôn, hồi nhỏ tôi chỉ biết ăn học làm việc, ai mà dạy tôi đánh đàn hát múa hay chụp ảnh, lúc đó tôi chỉ nghĩ họ đang nói nhảm mà thôi.”
Đám người Thôi Thiến Thiến lập tức phản bác, Lương Trác cười lạnh nhìn tôi:
“Chỉ biết chê bai chúng tôi, vậy cô định dạy bọn trẻ cái gì?”
“Đơn giản thôi, tôi chỉ dạy cho chúng những gì có trong sách giáo khoa.”
Tôi cầm lấy sách giáo khoa Ngữ văn trên bàn.
Trong tiết học, tôi sẽ dạy các em nhận biết chữ mới, kết hợp thơ ca yêu nước, cổ tích trong sách giáo khoa với bối cảnh lịch sử thực tế, kể cho các em nghe những câu chuyện sinh động và thú vị.
Khi tiết học kết thúc, tôi lại nói với các em rằng, việc giành được độc lập không hề dễ dàng, đất nước cần những thanh niên nhiệt huyết như các em, các em đều là những bông hoa vô cùng quý giá.
“Chị biết các em đều rất yêu quê hương của mình, nhưng học tập chính là con đường để giúp quê hương ngày càng tốt đẹp hơn. Khi các em có tri thức, các em sẽ có khả năng thay đổi quê hương, khi các em có bản lĩnh, các em sẽ có thể giúp quê hương thoát khỏi cảnh khó khăn hiện tại.”
“Em nào muốn chăn bò, tri thức có thể giúp em nuôi được hàng trăm, hàng nghìn con bò. Em nào muốn làm thợ mộc, tri thức có thể giúp em làm ra những đồ đạc tinh xảo hơn. Em nào muốn mở rộng quán bán đậu hũ, tri thức có thể giúp em biến quán đậu hũ của em trở thành quán nổi tiếng khắp phố lớn ngõ nhỏ.”
Khi tiếng chuông báo tan học vang lên, chín học trò nhỏ dưới bục giảng đều nhìn tôi, ánh mắt không còn nữa sự mơ hồ, mà là ánh sáng rực rỡ.
Đó mới chính là khát vọng thực sự.
9
Bình luận vẫn còn nhiều lời trách móc, nhưng số người khen tôi cũng dần dần tăng lên.
“Giang Hòa nói không sai, đối với trẻ em ở vùng nghèo khó, kịch nói, nhiếp ảnh và dương cầm hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Học tập chăm chỉ mới là con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh.”
“Giang Hòa chỉ đang nói lên sự thật cho các em nhỏ thôi, đừng vội vàng phán xét.”
“Mà nói đi cũng phải nói lại, Giang Hòa chỉ là vì giữ hình ảnh thôi, các bạn quên câu nói của cô ấy lúc nãy sao?”
Tuy nhiên, không chỉ tôi bị chỉ trích.
Thôi Thiến Thiến và hai người kia cũng không tránh khỏi.
“Chưa bao giờ thấy trẻ em học kịch nói trên sân khấu, trẻ em không có máy ảnh học nhiếp ảnh, trẻ em chưa bao giờ chơi nhạc cụ học dương cầm… Không phải, ba người này đang nghĩ gì vậy?”
“Các bạn vừa rồi thấy chưa? Khi ba người này giảng bài, có mấy đứa trẻ dưới kia luôn cúi đầu vì tự ti.”
“Thật không hiểu nổi, học hành chăm chỉ khó khăn vậy sao? Phải thể hiện cái gì thế chứ!”
Thấy vậy tôi không khỏi vui sướng khi người gặp họa.
Lúc này, An Hoa bước lên bục giảng, tiếp tục tiết học.
Ngoài dự đoán của tôi, anh lại giảng về địa lý.
Anh giảng về cánh đồng băng Đông Bắc, về núi rừng Vân Nam, về sa mạc rộng lớn ở Tây Bắc, về diện tích bao la của đại dương.
Đương nhiên, anh còn kể rất nhiều điều thú vị mà trẻ em thích.
Bánh kẹp thịt Tây Bắc, mì khô nóng Vũ Hán, thịt lừa nướng trên lửa ở Hà Bắc, vịt muối Giang Tô… Giảng đến đâu, mắt của chín đứa trẻ sáng lấp lánh, môi rớt nước dãi đến đó.
Tiết học kết thúc mà bọn trẻ vẫn chưa muốn tan học.
Chúng vây quanh tôi và An Hoa, một đứa kéo tay tôi, một đứa kéo tay An Hoa.
“Anh ơi, chị ơi, chúng em sẽ học tập chăm chỉ, nhất định phải đi ra ngoài để xem tận mắt!”
“Thật sự chỉ là vì muốn đi xem, mà không phải vì muốn ăn?”
Mọi người đều cười.
Lúc này tôi mới nhận ra, An Hoa đang phối hợp với tôi.
Tôi vạch ra cho các em hướng đi chung, An Hoa thì đi sâu vào chi tiết trên hướng đi đó.
Món ăn ngon, cảnh đẹp, đó chính là những chi tiết đó.
Nghe vậy, các em nhỏ hăng hái chạy lên phía trước.
Tôi nói với An Hoa: “Giảng hay quá!”
An Hoa mỉm cười: “Tôi học theo em.”
Lúc này, rất nhiều người trong bình luận đang bàn tán.
“Cách làm của Giang Hòa và An Hoa mới thực sự mở ra tri thức, mở rộng tầm nhìn cho các em nhỏ.”
“Thôi Thiến Thiến, Lương Trác và Cảnh Siêu đều thua xa.”
Thua?
Người hâm mộ của ba người kia không thể chấp nhận được điều này.
Bình luận bỗng chốc trở nên sôi nổi, sức nóng tăng cao, một lần nữa đưa chủ đề so sánh giữa tôi và Thôi Thiến Thiến lên top tìm kiếm.
Vào buổi tối, Thôi Thiến Thiến gõ cửa phòng tôi, nhìn tôi với vẻ mặt u ám.
“Giang Hòa, đừng tưởng rằng chuyện này sẽ như vậy mà xong!”
Tôi bình tĩnh nhìn cô ta.
“Buổi tối ăn rau hẹ à?”
Thôi Thiến Thiến ngẩn ra hai giây, vội vàng che miệng khẽ ho, rồi lại hung hăng trừng mắt nhìn tôi.
“Tôi không ăn rau hẹ!”
“Không phải, ý tôi là cô có vẻ hơi nóng, có ghèn dính trên mắt kìa.”
“Cô!”
[Giá trị phẫn nộ của Thôi Thiến Thiến: +38]
Nhìn cô ta vội vàng dụi mắt, tôi cười khúc khích.
“Ngại quá, chọc cô chơi thôi.”
“Giang Hòa!”
[Giá trị phẫn nộ của Thôi Thiến Thiến: +45]
Tình huống đẩy mạnh tiêu thụ lúc thanh toán tôi đã từng gặp, nhưng đưa tiền trước khi vào cửa thì đây là lần đầu tiên.
Tôi cười hì hì muốn kiếm điểm tiếp, mà Thôi Thiến Thiến lại không phối hợp.
Cô ta hung hăng nói một câu: “Chờ đó!”
Rồi vô cùng lo lắng bỏ đi.
Câu nói đã chuẩn bị sẵn để dỗ cô ta của tôi bỗng chốc mất đi tác dụng.
Bực bội không thể tả, tôi nhìn thấy An Hoa thò đầu ra từ căn nhà đối diện để hóng hớt.
Tôi: “Nhìn gì mà nhìn, chưa từng thấy người đẹp và quái vật à?”
An Hoa: “Người đẹp thì tôi thấy rồi, còn quái vật đâu?”
Tôi nhìn chằm chằm An Hoa không nói lời nào.
An Hoa: “… Không phải chứ, tới tôi mà em cũng định trào phúng à?”
Tôi: “Lúc tôi trào phúng người ta thì chưa bao giờ phân biệt địch ta, cả người lẫn vật đều trào phúng cả.”
Tôi định trêu tức An Hoa một chút.
Thế mà tên nhóc này hoàn toàn không tức giận, sự phẫn nộ của tôi không có tác dụng gì, còn thấy anh hứng thú tựa vào hàng rào cười với tôi.
“Vậy em trào phúng tôi mấy câu đi, tôi thiếu đòn.”
“…Nhìn anh như bị M ấy.”
“Vậy em làm S có vui không?”
Không nói nổi nữa.
Tôi bỏ đi.