Mình có bán source code Suu Truyện và nhận code web app, phần mềm, website, .. Ai có hứng thú có thể liên hệ qua telegram: @devdark07

Mình có bán source code Suu Truyện và nhận code web app, phần mềm, website, .. Ai có hứng thú có thể liên hệ qua telegram: @devdark07

Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 47: Gác huyền vũ, ngu tú tài tu lý, đền tiết hiếu, phương diêm thương làm ồn





Ngu Lương không phải là hạng người vừa. Từ năm lên bảy, lên tám, Ngu đã là thần đồng. Về sau, Ngu đọc tất cả kinh sử, bách gia chư tử, không có cái gì là không đọc, không có cái gì là không tinh và không có cái gì là không thông suốt. Năm hai mươi tuổi, học vấn toàn tài, tất cả mọi việc từ binh pháp, canh nông, nghi lễ, âm nhạc, thủ công, săn bắn, thủy lợi... đều biết. Văn chương hay như Mai Cao, Tư Mã Tương Như 1. Thi phú như Lý Bạch, Đỗ Phủ. Người cố làm thượng thư, ông làm hàn lâm, cha làm tri phủ, thực là một nhà nổi tiếng. Mặc dầu Ngu học vấn sâu rộng, người ở Ngũ Hà đều không coi Ngu ra gì. Phong tục ở Ngũ Hà nghe nói ai có phẩm hạnh là họ cười méo cả miệng. Nghe nói người nào là dòng dõi thế gia mấy chục năm trước đây thì họ khịt mũi chế nhạo. Ai đi làm thơ phú cổ văn thì họ cau mày mà cười. Hỏi họ ở huyện Ngũ Hà có phong cảnh núi non gì thì họ nói: "Cụ Bành". Hỏi họ ở Ngũ Hà có sản vật gì kỳ lạ, họ nói "Cụ Bành". Hỏi họ ở Ngũ Hà có ai có tài năng và đạo đức, họ nói "Cụ Bành". Hỏi họ ở Ngũ Hà có ai được mọi người kính trọng, họ cũng nói "Cụ Bành". Lại còn một việc làm cho họ phục nhất là việc gia đình họ Phương ở Huy Châu kết hôn với gia đình họ Bành. Mọi người để ý nhất đến việc họ Bành bỏ số bạc lớn ra để mua ruộng. Ngu Lương sống trong cái nơi phong tục hủ bại này, lại vì có mấy mẫu ruộng vườn, không đi đâu được, cho nên càng thêm bực tức. Người cha làm tri phủ thanh liêm ngay lúc làm quan, gia đình cũng sống một cách thanh bạch. Ở nhà, Ngu Lương ăn tiêu tiết kiệm nên để dành được một ít tiền. Bấy giờ người cha về hưu không lo gì việc nhà. Mỗi năm Ngu Lương dành dụm được vài lạng bạc, nhờ anh em mua giúp mảnh ruộng hay một cái nhà. Nhưng khi bàn bạc gần xong thì Ngu lại mắng anh em một trận và không chịu mua nữa. Cả huyện đều cho Ngu là một người điên, nhưng họ thèm mấy lạng bạc của y, cho nên cũng làm quen.



Cụ Thành là người cầm đầu việc mối lái về ruộng đất. Hôm ấy cụ bảo những người quản gia mời Ngu vào thư phòng và nói:



- Hiện nay có một thửa ruộng ở bên trái nhà tôi. Ruộng này không phải lo gì hạn hán và nước lụt, mỗi năm có thể thu về được sáu trăm đấu gạo. Họ đòi hai ngàn lạng bạc. Hôm kia, ông Phương thứ sáu đã muốn mua, người chủ đã định bán cho ông ấy; nhưng người ở trại đấy không bằng lòng.



- Tại sao họ không bằng lòng?



- Bởi vì hôm ông Phương xuống thăm ruộng, chủ ruộng đòi người ở trại đó phải bày "hương án" đón tiếp ông ta. Nếu như tô nộp không đủ thì họ sợ bị đánh cho nên họ không chịu bán!



- Đã không bán cho ông ta thì còn bán cho tôi làm gì? Tôi xuống thăm ruộng họ có bày "xú án" 1 ra đón tiếp không? Tôi không đánh họ thì họ có đánh tôi không?



- Không phải vậy! Người ta biết rằng ông là người rộng rãi nhân đức, chứ không phải ác nghiệt như người khác, cho nên tôi đến đây bàn với ông. Không biết ông có sẵn tiền không?



- Tiền thì tôi có đấy, để tôi bảo đầy tớ mang ra cho cụ xem.



Ngu bảo đầy tớ mang ra ba mươi đĩnh bạc đặt lên trên bàn. Bạc lăn long lóc. Cặp mắt của cụ Thành cũng nhấp nháy theo những đĩnh bạc. Ngu bảo đem bạc vào nhà cất đi và nói với cụ Thành:



- Tôi không phải lừa cụ đâu, cụ cứ về làng thu xếp công việc cho xong, thế nào tôi cũng mua.



- Tôi còn phải ở lại đây mấy hôm chưa về làng được.



- Có việc gì thế!



Ngày mai tôi phải đến thăm quan huyện Vương để lĩnh tiền làm một cái "nhà bia" cho người thím của tôi đã chết được khen là có tiết hạnh. Đồng thời tôi muốn nộp thuế luôn. Ngày kia tôi phải đến chúc thọ người con gái cụ Bành đúng mười tuổi. Ngày kia lại là ngày ông Phương thứ sáu mời tôi đến ăn cơm trưa. Tôi phải đến đấy rồi mới về quê được.



Ngu khịt mũi cười, giữ cụ Thành ở lại ăn cơm trưa. Khi cụ Thành đến Nha Môn, Ngu sai một người đầy tớ mời Đường Tam Đàm đến. Vì họ Phương hàng ngày chỉ mời Đường Nhị đã đỗ cử nhân đến ăn tiệc, mà không mời Tam Đàm, cho nên Đường Tam Đàm luôn luôn dò la tin tức họ Phương: Ông ta biết hôm nào gia đình họ Phương mời khách, mời bao nhiêu người và cách dò la của ông ta bao giờ cũng đúng. Ngu biết ông ta có cái tật ấy nên mới đến nhà hỏi:



- Ông làm ơn hỏi xem ông Phương thứ sáu ở hiệu "Nhân Xương" chừng ba hôm nữa có mời cụ Thành đến ăn tiệc không? Nếu ông hỏi dò đúng thì hôm ấy tôi mời ông ăn một bữa cơm.



Đường Tam Đàm nhận lời, đi một lát rồi trở về nói: - Không có việc ấy đâu. Ba ngày nữa ông Phương thứ sáu không mời ai hết.



- Tốt! Tốt lắm! Ba ngày nữa ông đến đây từ sáng sớm và chúng ta ăn tiệc suốt ngày.



Đường Tam Đàm đi rồi, Ngu bảo đầy tớ đến hiệu buôn hương, sáp nhờ người làm công ở đấy viết giúp một tờ thiếp đỏ, trên đề mấy chữ: "Trưa mười tám mời ông đến nhà tôi ăn cơm". Dưới đề: "Phương thược". Tờ thiếp được bỏ vào phong bì và dán lại. Ngu sai bỏ trên án thư trong phòng cụ Thành ngủ. Sau khi đã nộp thuế xong, cụ Thành trở về thấy tờ danh thiếp mời, mừng quýnh, nghĩ bụng:



- Ta thế mà gặp may! Nói liều một cái mà lại hóa đúng.



Cụ Thành vui vẻ đi ngủ.




Đến ngày mười tám, Đường Tam Đàm đến từ sáng sớm. Ngu mời cụ Thành vào nhà khách cụ Thành thấy đầy tớ lần lượt đi qua cổng xuống nhà bếp. Người thì mang rượu, người thì mang gà vịt, người lại mang cá, dò lợn, người mang bốn gói mứt, người mang một đĩa bánh nướng. Cụ biết là có bữa tiệc nhưng không hỏi gì. Ngu hỏi Đường:



- Anh có nói với những người thợ nề và thợ mộc về việc sửa nhà Nguyên Vũ không?



- Tôi đã nói rồi. Cần rất nhiều vật liệu. Tường ngoài đã đổ, cần phải xây lại, lại phải làm một cái nền mới. Như thế, thợ lợp nhà phải làm mất ba tháng. Cột nhà kèo cần phải thay và xà nhà phải đóng đinh. Cần nhiều thợ mộc. Nhưng trong việc sửa chữa nhà, thợ mộc, thợ nề chỉ làm nửa ngày thôi. Họ nói mất ba trăm lạng nhưng tôi sợ phải mất đến năm trăm lạng mới chữa xong.



- Tổ tiên ông ngày xưa đã dựng nên nhà Nguyên Vũ, nó đã làm cho nhiều người ở trong huyện này thi đỗ. Nhưng nay lại phát về họ Bành. Như vậy họ Bành phải xuất tiền ra chữa mới phải. Việc đó có liên quan gì đến ông, tại sao ông lại chịu mất nhiều tiền như vậy?



Ngu nói:



- Đúng đấy! Nhờ cụ làm ơn nói hộ với họ Bành để họ giúp tôi ít tiền. Tôi sẽ trả ơn cụ sau.



- Khi tôi gặp họ, tôi sẽ nói việc đó. Mặc dầu trong gia đình ấy có nhiều người làm quan, tự phụ và khinh người, nhưng họ vẫn tin nhưng điều lão già này nói lắm.



Người đầy tớ của Ngu thì thầm với một người bán cỏ ở cửa sau, đưa cho người kia bốn đồng tiền bảo vào trước cổng gọi:



- Cụ Thành, tôi ở nhà ông Phương thứ sáu lại đây, ông Phương mời cụ đến chơi. Ông đang đợi cụ ở nhà.



- Cụ Thành nói:



- Về bẩm với cụ tôi sẽ lại ngay.



Người bán cỏ ra ngay. Cụ Thành chào Ngu Lương đi thẳng đến hiệu Nhân Xương. Người giữ cổng đưa vào, chủ nhân là ông Phương thứ sáu ra đón. Hai bên thì lễ rồi ngồi xuống. Phương hỏi:



- Cụ đến đây bao giờ?



Cụ Thành kinh ngạc đáp:



- Đến đây hôm kia.



- Cụ ở đâu?



Cụ Thành lại càng hoảng sợ trả lời:



- Ở nhà ông Ngu Lương.



Đầy tớ bưng trà vào. Cụ Thành nói:



- Hôm nay tốt trời!



- Phải.



- Cụ đã gặp quan phụ mẫu chưa?



- Tôi đã gặp hôm kia.



Hai người ngồi không biết nói gì, chỉ uống trà. Cụ thành nói:



- Quan phủ mấy lâu nay không xuống huyện. Nếu quan phủ xuống huyện thì thế nào cũng đến nhà cụ trước. Ngài thân với cụ nhất. Thực ra cụ là người nhà ngài kính trọng nhất chẳng ai có thể sánh được!



- Quan án sát mới đã đến. Tôi chắc quan phủ thế nào cũng xuống huyện.



- Phải đấy!



Hai người ngồi, uống một lượt trà nữa nhưng không thấy có khách nào đến và cũng không thấy tiệc tùng gì bày ra. Cụ Thành rất phân vân, trong bụng lại đói, đành phải cáo từ một tiếng để xem cụ Phương nói thế nào. Bèn đứng dậy nói:



- Tôi xin chào cụ.



Phương cũng đứng dậy nói:



- Cụ ngồi chơi lát nữa.



- Không, tôi bận phải đi.



Cụ Thành từ biệt, Phương tiễn ra cổng. Cụ Thành ra khỏi cổng vò đầu, gãi tai, trong lòng suy nghĩ:



- Hay là ta đến sớm quá chăng?



Lại nghĩ:



- Hay là ta đã làm phật ý ông ta chăng? Lại nghĩ:



- Hay là ta đọc tờ danh thiếp sai chăng? Cụ chỉ suy nghĩ mãi nhưng không sao hiểu được. Rồi lại sức nhớ:



- Ở nhà ông Ngu hiện nay có bữa tiệc. Mình phải về ăn ngay, rồi sau hẵng hay.



Cụ Thành đi một mạch về nhà Ngu. Ngu đang ngồi ăn với Đường Tam Đàm, Diêu và hai người nhà ở trong thư phòng. Trước mặt là năm sáu bát đổ ăn, hơi bốc nghi ngút. Họ đang ăn uống vui vẻ thì thấy cụ Thành vào. Tất cả đứng dậy.



Ngu nói:



- Cụ Thành bỏ chúng ta đến nhà cụ Phương ăn một bữa tiệc ngon hơn.




Rồi lại thêm:



- Mau mau đưa một cái ghế ra đây cho cụ ngồi. Rót một chén trà lâu năm cụ uống cho tiêu cơm.



Đầy tớ đem ra một cái ghế đặt trước mặt mời cụ Thành ngồi. Lại rót trà liên tiếp cho cụ uống, hết chén này đến chén khác. Cụ Thành càng uống càng đói, cực quá nói không ra lời. Mắt nhìn thấy người ta xới thịt lợn, thịt vịt, cá, ba ba, mà thèm chảy nước dãi tức phát điên lên được. Họ ăn mãi đến tối mà cụ Thành thì phải nhịn đói tràn. Đợi cho Ngu tiễn khách ra cửa, cụ Thành mới gọi quản gia vào phòng xin một bát cơm rang qua rồi ăn. Sau đó cụ vào buồng ngủ, nhưng giận quá không sao ngủ được. Hôm sau, cụ Thành từ biệt Ngu Lương về làng. Ngu Lương nói:



- Bao giờ cụ trở lại?



- Khi nào việc ruộng kia thu xếp xong xuôi tôi sẽ trở lại. Nếu chưa xong, tôi phải đợi cho đến khi bà thím của tôi được vào đền thờ tiết hạnh tôi mới trở lại.



Nói xong cụ từ biệt ra về.



Một hôm Ngu Lương ở nhà không có việc gì. Đường Nhị đến chơi, hỏi:



- Anh Ngu, ông họ Quý hôm trước quả thật là ở nhà quan phủ đến đây. Ông ta ở chùa Bảo Lâm. Ông Phương thứ sáu và ông Bành thứ hai đều gặp ông ta rồi. Anh nói đúng thực!



- Hôm trước chính anh nói là không đúng, hôm nay lại chính anh nói là đúng. Nhưng thôi, đúng hay không ta cũng không cần bàn chuyện đó nữa.



Đường Nhị cười và nói:



- Tôi chưa bao giờ gặp quan phủ. Thế nào anh cũng đến phủ thăm ông Quý vậy cho tôi cùng đi để được gặp quan phủ có được không?



- Như thế cũng được.



Mấy hôm sau, hai người thuê hai cái kiệu đến phủ Phụng Dương. Đến nha môn, họ đưa danh thiếp. Ngu lại đưa một danh thiếp khác gửi cho Quý Vi Tiêu. Sau khi nhận danh thiếp, một người ra nói:



- Ông Quý đã đi Dương Châu rồi. Cụ mời các ông vào. Hai người vào, tri phủ tiếp ở thư phòng. Sau khi đi ra, hai người vào trọ trong một gian phòng ở phía đông thành phố. Tri phủ viết thiếp mời họ ăn cơm. Đường Nhị nói với Ngu Lương:



- Quan phủ mời chúng ta đến mai ăn cơm nhưng nếu chúng ta cứ ngồi đây đợi cho quan phủ cho người đến tìm thì không tiện. Ngày mai chúng ta cứ vào chùa Long Hưng ở trước cổng phủ, hễ thấy quan sai người đến mời là chúng ta vào luôn.



Ngu cười mà nói:



- Cũng được!



Hôm sau, ăn cơm trưa xong, hai người đến ngồi đợi trong nhà một vị hòa thượng ở chùa Long Hưng. Nghe ở nhà một vị hòa thượng bên cạnh có tiếng đàn, tiếng hát rất hay. Đường Nhị nói:



- Hát hay lắm. Tôi phải sang xem mới được. Đường đi xem nhưng quay trở lại ngay, mặt mày giận dữ trách Ngu Lương:



- Anh chơi tôi một vố cay quá. Anh có biết ai hát ở đấy không? Đó là cụ Phương thứ sáu chủ hiệu Nhân Xương ở huyện ta với công tử con quan phủ. bữa tiệc hết sức sang trọng. Mỗi người lại ôm một con hát tuồng. Quả thực họ ăn chơi sung sướng quá. Nếu tôi biết họ thân thiết với nhau như vậy thì hôm qua tôi đã cùng cụ Phương thứ sáu đến thăm quan phủ rồi. Nếu tôi cùng đến với ông ta thì nay tôi đã cùng ngồi một chỗ với công tử. Còn tôi đi với anh thì tuy được gặp mặt quan phủ đấy nhưng không sao thân mật như đi với cụ Phương được. Quả thực là tiếc!



- Đó là anh nói với tôi đấy chứ! Tôi có ép anh đâu. Bây giờ cụ Phương ở đây, anh cứ việc vào nhập bọn với ông ta cũng được chứ sao!



- Đã cùng đi với nhau thì phải đi cho trót. Tôi đã cùng anh đến thăm quan phủ, thì cùng phải đến ăn tiệc ở đấy chứ.



Vừa lúc ấy, trong nha môn có người ra mời, hai người đi vào. Tri phủ ra tiếp nói rằng mình ngưỡng mộ đã lâu, lại hỏi:



- Khi nào những người tiết hạnh ở trong huyện được đưa vào đền thờ, tôi sẽ phải xuống huyện để dự lễ.



Hai người đáp:



- Lúc trở về chúng tôi sẽ định ngày, thế nào cũng xin mời ngài đến.



Ăn cơm xong họ từ biệt ra về. Hôm sau, họ lại viết thiếp cáo từ và trở về huyện. Ngu Lương về nhà được một ngày thì Dư Hữu Đạt đến nói:



- Ngày mồng ba sắp đến sẽ làm lễ đưa những người tiết hạnh vào đền thờ. Hai gia đình chúng ta có nhiều bà bác và bà thím được đưa vào đền thờ. Chúng ta phải sắm đồ tế lễ, tất cả họ hàng đều phải ra để rước vào nhà thờ.



Chúng ta phải sắm đồ tế lễ, tất cả họ hàng đều phải ra để rước vào nhà thờ.



Chúng ta nên đi báo mọi người.



- Cố nhiên, gia đình em có một người, gia đình anh có hai người được phong tiết hạnh. Hai gia đình chúng ta có tất cả non một trăm năm mươi người, chúng ta phải ăn mặc đồ lễ phục để rước vào nhà thờ, như thế mới gọi là làm theo lối một gia đình lớn chứ.



- Tôi sẽ đi báo với gia đình và họ hàng tôi, anh sẽ đi báo với gia đình và họ hàng anh.



Ngu đi thăm họ hàng một lượt, bực bội vô cùng, về nhà cả đêm không sao ngủ được. Sáng hôm sau Dư đến, cặp mắt tròn xoe nói một cách giận dữ:



- Họ hàng của em nói như thế nào?



- Còn họ anh thì sao? Tại sao anh có vẻ tức tối như vậy.



- Em đừng hỏi anh nữa! Anh đem việc ấy nói với họ hàng anh, không ai đi cả, cái đó không cần nói. Nhưng họ lại nói rằng bà cụ Phương được đưa vào đền thờ, thế nào họ cũng phải đi rước và họ lại kéo anh cùng đi. Anh không nghe, họ chế nhạo bảo anh không hiểu gì thời thế hết. Em thấy như thế có tức không?



Ngu cười và nói:



- Họ hàng em cũng thế. Cả đêm em không sao ngủ được. Đến mai em sẽ sắm sửa đồ tế lễ và rước bà thím, không cần gì đến họ.



- Anh cũng phải làm như thế mới được.



Bàn định như thế là xong.




Đến ngày mồng ba Ngu mặc áo, đội mũ mới sai đầy tớ mang một bàn lễ vật đến nhà người em họ thứ tám. Vào cửa, Ngu thấy vắng tanh không có một người khách nào. Người em họ là một anh tú tài xác, áo quần rách rưới ra vái chào. Ngu vào nhà đến trước bàn thờ bà thím vái lạy đưa bài vị lên xe. Họ thuê một cái long đình 2 nhờ bốn người khiêng. Bốn người nhà quê thất thểu khiêng đi. Đằng sau không có một ai đi theo, chỉ có bốn người thổi sáo đi trước thổi lung tung trong khi khiêng long đình đi qua phố. Ngu Lương và em họ đi theo sau. Từ cửa từ đường nhìn ra, hai anh em Ngu Lương nhìn thấy hai cái long đình đã rách, lại không có người thổi sáo, theo sau chỉ có hai anh em Dư Hữu Đạt và Dư Hữu Trọng. Đến trước cửa từ đường bốn người gặp nhau vái chào. Nhìn thấy ở lầu Tôn Kinh trước nhà thờ đã treo đèn, treo cờ bày tiệc rượu. Lầu này rất cao lớn, lại ở ngay giữa đường, đứng ở đâu cũng nhìn thấy. Nhưng người hát tuồng đang mang rương hòm đến. Những người khiêng long đình nói:



- Những người hát tuồng của cụ Phương đã đến rồi.



Họ đứng đấy một lát thì nghe tiếng súng ở cửa tây. Những người khiêng long đình nói:



- Bà cụ Phương đã ra!



Lát sau nghe tiếng thanh la và tiếng trống. Hai cái dù vàng, tám cái cờ, và bốn đội cưỡi ngựa mang theo những cái biển đề: "Thượng thư bộ lễ", "hàn lâm học sĩ", "Đô đốc học viện", "Trạng nguyên cập đệ". Những cái biển này đều do gia đình họ Dư và họ Ngu đưa đến cả. Khi đám rước đi qua, tiếng thanh la, tiếng kèn vang lên, khói trầm nghi ngút, đoàn người rước bài vị của bà cụ Phương đến. Bài vị này được tám người đàn bà chân to khiêng đi. Cụ Phương thứ sáu đầu đội mũ sa tròn đi theo sau bài vị. Đằng sau, là hai hàng quan khách, hương thân và tú tài. Trong đám hương thân có ông Bành thứ hai, thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Ngoài ra, những người đỗ cử nhân, tiến sĩ, cống sinh, giám sinh trong hai gia đình của Dư Hữu Đạt và Ngu Lương, tất cả đến sáu bảy mươi người đều đội mũ sa mặc áo cổ tròn, ra vẻ cung kính lắm. Lại đến sáu bảy mươi người tú tài của hai gia đình Ngu và Dư mặc áo dài, đội mũ vội vàng chạy theo sau. Người hương thân đi cuối cùng là Đường Nhị, tay cầm một quyển sổ đang ghi chép. Người tú tài cuối cùng là Đường Tam Đàm, tay cũng cầm một quyển sổ đang ghi chép. Bởi vì gia đình họ Ngu và họ Dư là gia đình thi lễ và cũng còn biết tự trọng cho nên khi đến trước bàn thờ, nhìn thấy long đình của người trong họ mình ở đây, cũng có bảy, tám người đến vái lạy. Sau đó tất cả đoàn người xô nhau đưa long đình của bà cụ Phương vào nhà thờ. Đằng sau là tri huyện, đốc học, thơ lại, bá tổng có đủ các đồ chắp sự, kèn trống. Quan huyện, quan học đạo, thơ lại, hương thân, tú tài, nhà chủ lần lượt vào lạy. Lạy xong, mọi người kéo nhau ra, đến lầu "Tôn kinh" ăn uống. Đợi cho mọi người đi hết, Dư và Ngu mang long đình đặt vào đúng chỗ. Trong họ Ngu, thì Ngu Lương soạn một bàn lễ tế, trong họ Dư thì Dư Hữu Đạt sửa lễ tam sinh. Lễ xong, họ khiêng bàn tế ra ngoài. Nhưng không có nơi nào ăn, họ định mượn nhà người giữ trường thi. Dư Hữu Đạt ngẩng đẩu lên nhìn lầu "Tôn Kinh" thấy khách khứa mặc áo gấm đi giày đỏ đang rót rượu chúc nhau. Cụ Phương thứ sáu sau buổi lễ thấy gò bó nên cất cái mũ sa và áo cổ tròn, đội một cái mũ vuông, mặc quần áo thường, đi đi lại lại, ngoài hành lang. Có một người đàn bà bán hoa họ Quyền, có đôi bàn chân to, bước lên lầu vừa cười vừa nói:



- Tôi đến đây để xem đưa bà cụ vào đền thờ. Vẻ mặt cụ Phương thứ sáu vui mừng hớn hở. Cụ đứng dựa vào lan can nhìn những ngọn cờ và những người chơi nhạc, chỉ vào vật này, vật kia và cắt nghĩa cho bà kia nghe. Bà Quyền thì một tay vịn vào lan can, một tay sờ vào lưng bắt rận. Bắt được con nào lại bỏ vào miệng cắn. Nhìn thấy thế, Dư Hữu Đạt chịu không nổi, nói:



- Này em, chúng ta không uống rượu ở đây làm gì, hãy khiêng bàn về nhà chúng ta. Hai anh sẽ đến nhà em ăn. Như thế còn hơn ngồi nhìn cái cảnh tượng này.



Mọi người bèn khiêng bàn thờ về nhà, bốn năm người theo sau. Trên đường cái, Hữu Đạt nói với Ngu Lương:



- Này em! Trong cái huyện này không còn biết lễ nghĩa, liêm sỉ gì nữa, cũng vì ở đây chẳng còn một ông thầy nào ra hồn. Nếu ở Nam Kinh chỗ Ngu bác sĩ thì làm gì có những việc như thế này!



Dư Hữu Trọng nói:



- Ngu bác sĩ không ngăn cấm ai việc gì. Nhưng nhìn những hành động của ông mọi người đều cảm hóa nên không ai làm những việc trái lễ.



Mấy người thở dài, cùng về nhà uống rượu rồi ai về nhà nấy.



Lúc này đã bắt đầu sửa chữa lầu Nguyên Vũ. Ngày nào Ngu Lương cũng đến đôn đốc công việc. Hôm ấy Ngu trở về nhà thì thấy cụ Thành đã ngồi trong thư phòng. Ngu vái chào, sai đem trà ra uống và hỏi:



- Tại sao trong ngày lễ trước đây không thấy cụ đến? - Hôm ấy tôi cũng muốn đến lắm nhưng còn mắc bệnh không thể đến được. Em tôi về làng nói buổi lễ thật là náo nhiệt, người đi đưa đám nhà cụ Phương chật mất nửa đường, quan huyện Vương và nhà cụ Bành cũng đều đi đưa. Ở trên lầu "Tôn Kinh" có ăn uống, hát xướng. Người các nơi đều kéo nhau đến xem, họ nói rằng: Ngoài gia đình cụ Phương ra, không có ai làm được một cái lễ như vậy. Thế nào? Ông cũng có mặt và uống rượu ở trên lầu có phải không?



- Cụ không biết hôm ấy tôi cũng phải đưa bà thím của tôi.



Cụ Thành cười nhạt nói:



- Ông em họ của ông nghèo quá không có tiền mua quần áo mà mặc, còn ai chịu đưa đám làm gì? Chắc ông đùa với tôi đấy thôi. Thế nào ông cũng đưa đám bà cụ Phương.



- Thôi, việc ấy đã qua rồi, nói làm gì nữa.



Ăn cơm chiều xong, cụ Thành nói:



- Người chủ ruộng và người mách mối đều lên đây. Hiện nay họ ở trong chùa Bảo Lâm. Nếu ông muốn mua ruộng thì đến mai là có thể xong.



- Như thế cũng được.



- Lại còn một việc nữa. Tôi chính là người nói cho ông biết về thửa ruộng ấy. Tôi muốn được năm mười lạng về tiền công. Ông phải trả cho tôi số tiền ấy, tôi lại sẽ lấy tiền ở người mách mối nữa.



- Cái đó chẳng cần phải bàn.



Cụ Thành mới kể lại tất cả tô, giá tiền mua ruộng, cân để cân, sổ bạ, giá tiền về gà, cỏ, tiền tô, tiền rượu, tiền chữ ký, tiền biếu nghiệp chủ vân vân... Cụ Thành đem người chủ ruộng, người mách mối đến nhà Ngu Lương từ sáng sớm. Cụ Thành đến, bảo viết khế cho xong. Nhưng khi bước vào thư phòng bảo Ngu Lương ký vào khế bán ruộng thì cụ Thành thấy những người thợ nề, thợ mộc đang lĩnh tiền ở đây. Ngu Lương đem tiền ra phân phát từng đỉnh năm mươi lạng một, một lát phát hết mấy trăm lạng. Chờ cho họ đi hết, cụ Thành đến bảo ký vào khế bán ruộng. Ngu Lương trợn mắt nói:



- Ruộng đắt quá, tôi không muốn mua.



Cụ Thành giật mình không biết nói gì. Ngu Lương nói:



- Thưa cụ, quả thật tôi không muốn.



Và quay lại bảo đầy tớ:



- Mày ra bảo những người nhà quê ở ngoài sảnh đi cho rảnh mắt.



Cụ Thành cau mày nhăn mặt đành phải đi ra.



Chỉ nhân phen này khiến cho:



Lìa nơi ác tục, thói nhà nho lại rạng môn tường;



đến chốn danh bang, người hiền triết tiếc không gặp mặt.



Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.


Chương trước Chương tiếp
Loading...