Thiên Mã Hành Không
Chương 53: Tại thủy y nhân
Tiêu Phong nghe nói có người cứu được mạng đứa nhỏ, lập tức vừa kinh vừa mừng, ông vội hỏi:
- Thưa tiên sinh, người đó ở đâu vậy?
Vị thầy thuốc chỉ tay, nói:
- Đi về phía nam chừng sáu mươi dặm, qua một khu rừng rậm, rẽ sang đàng đông, sẽ thấy một hòn núi cao. Vượt khỏi núi là tới một sơn cốc. Cốc núi đó sâu vô cùng, nhìn không mút mắt, vách đá chập chùng, cây cối rậm rạp, không sao thấy toàn bộ địa hình. Người ấy cư ngụ bên trong cốc - lão nhân ngẩng đầu nhìn Tiêu Phong, nói tiếp - Dẫu ông tìm được đến nơi, chưa chắc đã gặp , vì người đó rất ít khi ở nhà lắm.
Tiêu Phong đáp:
- Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng phải trông vào vận may của mình.
Nói xong, ông chắp tay, vái chào lão nhân:
- Lão tiên sinh, đạ tạ.
Đưa tay choàng vai A Tử đang bế đứa nhỏ, ông cùng cô ra ngoài, giục ngựa lên đường.
Theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc, họ đi về phía nam gần trọn ngày, thấy phong cảnh mỗi lúc một hoang vu, trên đường không gặp bao người. Đi thêm một chút nữa, cuối cùng đến khoảnh rừng, cả hai không nề nhọc mệt, giục ngựa vượt qua, rồi nhắm hướng đông đi miết, quả nhiên thấy một hòn núi cao sừng sựng trước mắt. Tiêu Phong xuống ngựa, bảo A Tử:
- Núi này cao quá, mình bỏ ngựa nơi đây, đi bộ vào.
A Tử đồng ý, cô xuống ngựa, buộc vào một gốc cây cao dưới chân núi. Tiêu Phong tay trái ẵm đứa nhỏ, tay phải ôm ngang eo lưng A Tử, ông thi triển khinh công, nhắm đỉnh núi đi lên. Tính đến lúc đó, Tiêu Phong đối địch ở Tuý Tiên các, đánh dẹp rắn, thoát khỏi Xà trận, vượt vòng vây Cái bang, người ngựa bôn ba suốt ngày, sức lực ông chẳng suy giảm, hiếm thấy người có thần lực đó. Tiêu Phong nội lực thâm hậu bền bỉ, chân không ngừng bước, ông trèo lên núi cao thoăn thoắt tựa chim ưng đằng không.
Tiêu Phong đề khí rảo bước ước chừng nửa canh giờ, cuối cùng khi họ lên đến đỉnh núi, mặt trời đã ngả về tây. Cả đoàn dừng chân nơi đỉnh núi đầy tuyết phủ, gió bấc thổi ào ào, lay động vạt áo, ráng chiều hồng hồng đàng chân trời, bốn bề vắng ngắt, chỉ có tiếng gió vù vù vang vọng từ vách đá núi. Tiêu Phong hít một khẩu chân khí thật sâu, hào khí bốc lên từ lồng ngực, ông cười một tràng dài, tiếng cười trải rộng khắp không gian, vọng về từ tứ phía. Rồi ông quay mình, đỡ A Tử, nhắm dốc núi bên dưới băng xuống.
Đi được một chặp, quả nhiên trước mắt hiện ra một sơn cốc, đáy cốc thật sâu, như lời thày thuốc bảo, hai bên cốc vách đá sừng sững, cây rừng mọc um tùm. rậm rạp. Tiêu Phong vui mừng nói:
- Đúng chỗ rồi, trời đang sụp tối, mình phải cố đi vào cho mau.
Ông đề khí, nâng A Tử, cùng hạ mình xuống, hai gót chân đáp vào một mỏm đá núi, rồi ông tiếp tục phi thân lao xuống dưới theo kiểu đó, sau đôi ba lần, họ chạm chân đáy cốc. Chỉ thấy chung quanh cỏ mọc xanh rì, cây cao ngất trời, so với cảnh tượng điêu linh ngoài cốc thấy khác nhau một trời một vực, do nhờ vách núi cao ngăn trở bốn bề, khí lạnh không thâm nhập được nhiều, cây cỏ inh sôi tươi tốt. A Tử đặt chân xuống, cô dõi mắt nhìn, khi chỉ thấy cây rừng bạt ngàn, cô bất giác than:
- Không biết tìm thày ở chỗ nào trong vùng cây rừng rậm rạp này?.
Tiêu Phong đáp:
- Mình cứ gắng tìm, thể nào cũng thấy, hy vọng người đó có nhà.
Tiêu Phong cùng A Tử băng rừng đi một lúc, bỗng nghe bên tai rì rào tiếng nước chảy, Tiêu Phong lấy làm lạ, ông tự hỏi, bên ngoài cốc băng tuyết phủ đầy, vì sao trong này có tiếng nước chảy?. Ông nhìn A Tử, hỏi:
- A Tử, muội nghe xem, hình như có tiếng nước chảy thì phải?
A Tử vểnh tai nghe ngóng một hồi, cô lắc đầu nói:
- Muội không nghe thấy gì hết, chắc tỷ phu nhầm, ngoài kia đầy băng giá, làm sao có nước chảy cho được?
Tiêu Phong biết bằng vào nội công cao siêu, ông đã nghe đúng. Ông lắng tai phân biệt phương hướng, nắm tay cô, bảo:
- Theo ta.
Hai người thi triển khinh công, nhắm phiá có tiếng nước chảy. A Tử cảm giác tiếng gió phần phật bên tai, cô được Tiêu Phong nắm tay nâng đỡ, tuy phải chạy nhanh, nhưng cô không thấy mất sức, Đi được một lúc, ra khỏi rừng cây, trước mắt họ thoáng đãng, có một dòng suối nhỏ chảy về hướng nam, tiếng rì rào phát ra tử dòng nước đó. A Tử vừa mừng vừa lo, cô chạy nhanh đến bên suối, đưa tay vốc nước rửa mặt, rồi quay về Tiêu Phong, nói:
- Tỷ phu, nước suối ấm lắm, huynh rửa mặt đi.
Tiêu Phong bế đứa bé, đáp:
- Không thấy ai, mình phải nhanh chóng tìm thầy thuốc thôi - Rồi ông ngước nhìn phía xuất phát của dòng suối, nói tiếp - Mình cứ men theo suối, thể nào cũng đến nhà thầy thuốc.
Hai người lần theo ngọn tiểu khê về phía nam, dọc theo hai bên bờ suối thấy nở rộ một thứ hoa vàng không rõ tên, hoa vờn theo gió, phong cảnh cực kỳ mỹ lệ. Càng đi xuống, mặt suối càng mở rộng, cảnh sắc mỗi lúc một đẹp khiến người ta say sưa nhìn ngắm.Qua khỏi một cánh rừng thưa, trước mắt họ mở ra một khoảnh hồ mặt nước như gương, lặng tĩnh, ven hồ hoa lê chập chờn trong gió, cánh hoa trắng ngần rụng đầy đất, một số cánh hoa bị gió thổi ra hồ, nổi bập bềnh trên sóng nước hồ trong vắt. Giữa rừng hoa lê, thấp thoáng bóng một gian nhà nhỏ, nhìn xuyên qua tàng cây ngợp tràn hoa lê, gian nhà như ẩn như hiện. Lúc đó buổi hoàng hôn, bốn bề vắng lặng, gió đưa thoang thoảng mùi thơm của hoa lê, gây cho người ta cảm giác đang lạc vào một khung cảnh thần tiên. Suốt đời Tiêu Phong trải qua ánh đao, màu máu, ông chưa từng thưởng lãm cảnh sắc tuyệt mỹ đó, bất giác ông thấy lòng lâng lâng, dấy lên một cảm giác thư thả khó tả nên lời. A Tử đứng kề bên Tiêu Phong, nghĩ thầm, được cùng chàng sống suốt đời nơi này, dẫu chàng không yêu mình, mình cũng mãn nguyện lắm rồi. Chợt Tiêu Phong nói nhỏ:
- Ngườì cư ngụ chốn này, chắc thuộc hạng thần tiên, cái cao nhã của người đó không khỏi khiến người ta không đem lòng ganh tỵ - Dừng một lúc, ông nói tiếp - Bọn mình mau đến nhà đó hỏi xem có thầy thuốc không, chỉ mong đứa bé này phúc phận lớn, sẽ được cao nhân cứu chữa.
Hai người men theo bờ hồ, bỗng nhiên nghe tiếng đàn trổi lên, khi cao tựa tiếng nước suối vỗ vào đá, lúc thanh thì hệt tiếng châu ngọc chạm nhau, âm thanh mềm mại, uyển chuyển như nước chảy mây trôi, cầm vận thanh nhã, cao khiết, người nghe cảm giác trong lòng mê man, quên hết ưu phiền.
Tiêu Phong mừng rỡ, nói:
- Vậy trong nhà có người, người đang dạo đàn ắt hẳn cao nhân mà lão y sĩ đã nói.
Giọng một nữ tử chợt cất lên, hỏi:
- Ai ở ngoài ấy thế?
Tiêu Phong dịu giọng trả lời:
- Tại hạ Tiêu Phong cùng xá muội A Tử, mạo muội xin được cầu kiến. Chúng tôi quấy quả nhiều, mong tôn giá tha thứ.
Trong lòng ông thắc mắc:
- Đâu ngờ người là một nữ tử, nghe giọng nói thấy tuổi còn ít, cớ sao lão tiên sinh lại bảo có tài khởi tử hồi sinh, thật không hiểu đúng hay sai!
Nữ tử không trả lời, sau một lúc, từ giữa khung cửa hiện ra một thiếu nữ áo trắng thanh tú, cô liếc nhìn Tiêu Phong, hỏi:
- Tiểu thư ta hỏi các hạ tìm đến vì việc gì?
Giọng không phải là của người vừa rồi lên tiếng, xem ra là một nha hoàn.
Tiêu Phong chỉ vào đứa bé trong lòng, nói:
- Đứa bé này bị rắn độc cắn, tính mạng nguy ngập, tôi nghe nói quý chủ nhân có tài khởi tử hồi sinh, nên đã tìm đến, cầu xin người ra tay cứu chữa cho nó.
Ả nha hoàn đó nói:
- Tiểu thư ta không chẩn mạch chữa bệnh người lạ, mời quý vị lui gót trở về đi thôi.
Tiêu Phong đưa đứa bé sang cho A Tử, ông chắp tay nhìn nha hoàn, nói:
- Cô nương, thỉnh cầu cô nương thưa cùng Tiểu thư của cô, quy củ, lề luật là do người đặt ra, đôi khi có thể thay đổi! Đây lại là một đứa nhỏ sắp chết, tôi hy vọng nó được chủ nhân cứu chữa. Sinh mạng nó trông vào cô nương, vì phúc đức thượng thiên, xin cô vui lòng thưa cùng chủ nhân cứu chữa cho nó.
Nha đầu chau mày, giậm chân, nói:
- Quy củ nhà ta chưa khi nao đổi thay. Tiểu thư ta không thăm mạch chữa bệnh cho người, nhất là người bệnh nam giới, các vị mau lui gót trở về, tìm thày thuốc cao tay khác, đừng chần chừ tại đây nữa!
Tiêu Phong thấy nha đầu khăng khăng chối từ, giọng điệu cương quyết, ông biết có nói thêm cũng vô ích, nghĩ bụng trên đời sao có ngườii thấy chết không cứu, mình chẳng thể cưỡng cầu, lập tức ông thở dài một tiếng, quay nhìn A Tử nói:
- Thôi ... Mình đi thôi, nói nhiều nữa cũng vô ích!
- Chờ một chút đã! - Nữ tử trong nhà lên tiếng - đứa nhỏ đó có phải là con của ông không?.
Tiêu Phong đáp:
- Không phải! Trên đường đi, tôi tình cờ gặp nó, rồi vì tôi mà nó thụ thương, nó một thân một mình không nơi nương tựa, tôi không thể nhắm mắt làm ngơ được!
Nữ tử trầm tư hồi lâu, cô bỗng cao giọng bảo:
- Hạnh Nhi, ngươi bế đứa nhỏ vào đây.
- Dạ, Tiểu thư.
Nha đầu ứng tiếng đáp lời, cô đưa tay đón đứa bé từ A Tử.
Tiêu Phong mừng quá, ông nhắm gian nhà, cúi mình vái dài, nói:
- Đa tạ cô nương!
Nữ tử nhạt giọng trả lời:
- Bất tất đa lễ .
- Mơì hai vị chờ bên ngoài - Nha đầu nói xong, cô bế đứa bé đi vào nhà, tiện tay đóng cửa lại.
A Tử đang định đi vào theo, khi thấy cô đóng cửa, A Tử bất giác nổi giận:
- Làm gì như trời vậy! Thật là khinh người thái quá!
Tiêu Phong khuyên can:
- A Tử, đừng nổi nóng, các vị đó cao nhân thế ngoại, chịu ra tay cứu chữa, đã hạ thể diện lắm rồi, bọn mình chờ một chủt, có sao đâu!.
Nói xong, ông ngồi xuống một cái ghế đá đặt trước cửa nhà, một làn gió nhẹ thổi qua, hoa lê rơi rụng như tuyết, từng đợt từng đợt những cánh hoa trắng bay phơi phới bên trên mặt bàn bằng đá, Tiêu Phong đưa tay cầm một cánh hoa, ông nhìn quanh, thấy núi biếc vây bọc, mặt nước hồ xanh trong tựa ngọc bích, đón các cánh hoa nhẹ nhàng rơi rụng, nhu tình phong nhã chợt dậy trong lòng, ông chẳng khỏi than thầm:
- Thưởng thức cảnh đẹp này, được chút ít rượu ngon, mới là thú thần tiên!
Ông đang suy nghĩ, bỗng cửa nhà mở toang, nha đầu Hạnh nhi bưng trên tay một khay có vò rượu và hai cái chén, cô đặt khay trên bàn đá, nói:
- Đây là Hạnh hoa tửu, tiểu thư ta kính mời đại hiệp thưởng thức.
Tiêu Phong bất giác mỉm cười, ông nghĩ bụng "Cô tiểu thư này thật thần thông quảng đại, biết mình đang ao ước gì!"
Hạnh Nhi thấy ông cười, không trả lời, cô cũng nhoẻn miệng cười thật tươi, hỏi:
- Tại sao đại hiệp cười?
Tiêu Phong vui vẻ đáp:
- Chính lúc tôi đang thèm rượu, đã thấy cô nương đem ra cho.
Hạnh Nhi cười tủm tỉm, bảo:
- Nếu thật sự như thế, đúng là Đại hiệp cùng Tiểu thư ta tâm ý tương thông!
Tiêu Phong vội vàng đứng dậy, nói:
- Cảm ơn Tiểu thư cô nương lắm, Tiêu Phong tôi là kẻ thô biền, không khéo ăn nói, mong hai cô nương chớ chấp.
Hạnh Nhi dẩu mỏ, cô cười cười:
- Đại hiệp chẳng nên quá câu nệ, Hạnh Nhi thuận miệng nói chơi, mong đại hiệp đừng để tâm.
Ả cúi mình thi lễ cùng Tiêu Phong vả A Tử, thưa:
- Xin hai vị chờ cho một chút, tiểu nữ sẽ mang cơm nước ra, không hiểu hai vị thích dùng món gì?
Giọng nói nói thật ôn nhu nhã nhặn, dễ nghe!
Từ khi Tiêu Phong vào đến Trung nguyên đến giờ, ông toàn bị người ta bủa vây, truy đuổi, có lúc thân suýt hãm tử địa, giờ đây, ông đến nơi thần tiên này, được nghe giọng nói ôn nhu êm tai đó, bất giác ông cảm động, đáp:
- Tại hạ mạo muội quấy rầy đã nhiều, không dám đòi hỏi gì nữa, không dám làm phiền cô nương, để chúng tôi dùng lương khô được rồi.
Hạnh Nhi đáp lễ, nói:
- Đại hiệp làm khách quá, đấy là phận sự Hạnh Nhi trong nhà, đại hiệp không nói ưa ăn món gì, vậy để mặc Hạnh nhi tiện tay sắp xếp .. chắc cũng ổn! Xin hai vị chờ một chút, cơm nước sẽ đem ra ngay.
Nói xong, cô chẳng chờ Tiêu Phong trả lời, đã quay mình đi vào trong.
Tiêu Phong cảm giác trong lòng cực kỳ êm đềm, ông nâng chén uống một ngụm, rựợu chưa vào đến cổ họng, hương vị ngọt ngào đã thấm, mùi rượu thơm nồng, so với rượu Phần tại Tuý Tiên lâu, thật là một tư vị khác hẳn!
---- Xem tiếp hồi 53 ----